Gắn “sao” để quản lý xe khách

Xe khách chất lượng cao từng là thương hiệu được hành khách ưa thích. Thế nhưng đến nay, hiện tượng nhái xe khách chất lượng cao đang gia tăng dẫn đến tình trạng thật, giả lẫn lộn, gây mất trật tự an ninh, an toàn giao thông (ATGT) và làm mất lòng tin của hành khách. Thực trạng này cũng đang xảy ra ở thị phần xe buýt, xe taxi, khiến dư luận bức xúc.


Kiểm tra, xử phạt xe khách trên đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

 

Để siết chặt quản lí trong lĩnh vực này, ngành Giao thông vận tải (GTVT) sẽ gắn “sao” cho các loại xe hoạt động vận tải, làm cơ sở để hành khách lựa chọn chất lượng dịch vụ; loại bỏ dần những doanh nghiệp vận tải có chất lượng dịch vụ kém.

 

Phát triển “nóng” khiến chất lượng dịch vụ “xuống dốc”


Anh Nguyễn Đức Trung ở Nghệ An có mặt ở bến xe Giáp Bát cho biết: Trước đây, mỗi lần về quê, anh thường đi xe chất lượng cao tuyến cố định Hà Nội - Vinh từ trong bến xe và yên tâm được phục vụ đúng khẩu hiệu xe “chất lượng cao” khi lên xe. Nhưng bây giờ, anh cũng đã quen với chất lượng phục vụ “xuống dốc không phanh” của nhiều nhà xe, kể cả xe xuất phát từ trong bến. Đã nhiều lần, nhiều xe xuất phát gần như kín chỗ, nhưng lái xe vẫn không chịu cho xe chạy, mà cứ nổ máy rì rì ở cổng bến xe. Thường từ lúc xe ra khỏi bến đến ngã ba Pháp Vân - Cầu Giẽ phải mất gần tiếng đồng hồ. Còn chuyện xe dừng đỗ vô tội vạ, lái, phụ xe nói tục, chửi thề, phóng nhanh vượt ẩu trên quốc lộ... là chuyện cơm bữa.


Qua tìm hiểu cho thấy, hầu hết xe chạy tuyến cố định Hà Nội - Vinh hay các tuyến khác, nếu xe không gắn mác “chất lượng cao” thì cũng được lái, phụ xe mặc nhiên quảng cáo là xe chất lượng cao khi “bắt” được khách dọc đường. Điều này lý giải vì sao tình trạng nhái thương hiệu, “xe dù, bến cóc” có đất làm ăn và hành khách thường xuyên bị nhầm lẫn, được hưởng các dịch vụ kém chất lượng. Phải thừa nhận một điều, khởi điểm, xe khách chất lượng cao đã làm thay đổi diện mạo dịch vụ vận tải hành khách bằng đường bộ. Nhiều thương hiệu vận tải hành khách gắn với tiêu chí chất lượng cao được hành khách ưa chuộng như: Xe khách Nam Hà Nội, Hoàng Long, Thuận Thảo, Mai Linh, Hào Hương... Thế nhưng, tình trạng phát triển “nóng” xe khách thời gian qua đã dẫn đến tình trạng thật, giả lẫn lộn, đi kèm với chất lượng phục vụ giảm sút, các tiêu chí chất lượng cao đặt ra không được duy trì. Và thực tế, xe khách chất lượng cao hiện nay đã giảm sút uy tín.


Trên thị trường vận tải hành khách hiện nay đang xuất hiện các loại xe giường nằm cao cấp, xe cao cấp. Sự "cao cấp" này không do cơ quan quản lý nào đặt ra và cũng không gắn với tiêu chí nào. Tuy nhiên, phải thừa nhận, không ít xe cao cấp có chất lượng tốt. Điển hình phải kể đến dòng xe giường nằm chạy tuyến cố định Hà Nội - Vinh, Hà Tĩnh, TP.HCM... Những hành khách tinh nhạy sẽ lựa chọn cho mình loại xe chất lượng phục vụ tốt, xứng đáng với số tiền mình bỏ ra.


Qua khảo sát cho thấy, có tới 60% các đơn vị vận tải khách tuyến cố định và gần 83% đơn vị vận tải khách theo hợp đồng chỉ có dưới 10 đầu xe/đơn vị. Trình độ quản lý của các đơn vị đa số ở mức thấp, chủ yếu khoán cho lái xe, vì vậy chất lượng dịch vụ thấp. Mặc dù, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ đã được luật hóa, song rất khó theo kịp tốc độ gia tăng của số lượng phương tiện, chưa tạo được thị trường cạnh tranh lành mạnh, không khuyến khích được những đơn vị làm tốt và đào thải những đơn vị yếu kém. Thêm vào đó, không ít đơn vị vận tải chưa đăng ký và thông tin đầy đủ về chất lượng phương tiện để hành khách lựa chọn, dẫn đến việc xe có chất lượng kém nhưng vẫn quảng cáo là "chất lượng cao" để nâng giá vé...


Vận tải đường bộ đang đảm nhiệm trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Kể từ khi nhà nước chủ trương xã hội hóa hoạt động vận tải đường bộ, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Tuy nhiên đến nay, sự phát triển “nóng” của phương tiện đã phát sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường vận tải, nhất là hiện tượng “xe dù, bến cóc”, trở thành nguyên nhân chính dẫn đến việc khó kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT).

 

Quản bằng “sao”


Khắc phục tình trạng trên, Tổng cục ĐBVN đã công bố “Đề án đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu TNGT”, triển khai từ nay đến năm 2015. Đề án áp dụng 5 tiêu chí đánh giá và phân hạng chất lượng dịch vụ đối với từng loại hình kinh doanh vận tải, gồm: Chất lượng phương tiện (4 nội dung); lái xe và nhân viên phục vụ trên xe (6 nội dung); hành trình vận tải (4 nội dung); tổ chức quản lý của đơn vị về ATGT và chất lượng dịch vụ vận tải (6 nội dung); quyền lợi của hành khách (4 nội dung). Mỗi tiêu chí đánh giá được lượng hóa bằng phương pháp tính điểm. Tổng số điểm đạt được sẽ tương ứng với từng mức chất lượng dịch vụ vận tải được thể hiện bằng số sao (*).


Triển khai đề án, Sở GTVT các địa phương và Tổng cục ĐBVN sẽ có hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng dịch vụ vận tải; quy trình đảm bảo ATGT; quy trình hoạt động của các bến xe; dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các phương tiện trên quốc lộ; thông tin phản ánh của hành khách; dữ liệu về tuyến vận tải, đơn vị vận tải, chất lượng dịch vụ, giá cước để hành khách tham khảo, lựa chọn khi có nhu cầu... Hệ thống cơ sở dữ liệu cũng cập nhật các thông tin về bến xe, doanh nghiệp vận tải, hành trình chạy xe, trạm dừng nghỉ, nhằm hỗ trợ cho các đơn vị vận tải lựa chọn, xây dựng phương án chạy xe hợp lý, an toàn.


Rõ ràng, việc có quá nhiều thành phần kinh doanh vận tải theo kiểu “nhà nhà làm vận tải, người người làm vận tải” như hiện nay, thậm chí chỉ cần có một chiếc xe, tự lái hoặc thuê người lái là có thể kinh doanh vận tải, đang làm “bức tranh” vận tải trở nên xấu xí. Phải chấm dứt tình trạng kinh doanh vận tải không thể kiểm soát như hiện nay mới có thể kiềm chế được TNGT và kiểm soát được hoạt động của các doanh nghiệp vận tải. Hy vọng, việc gắn “sao” cho phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải sẽ góp phần minh bạch thị trường vận tải, xây dựng được lòng tin của hành khách đối với hoạt động vận tải.

 

Vụ trưởng Vụ Vận tải, Pháp chế (Tổng cục ĐBVN) Trần Quang Bình: Gắn “sao” để nâng chất lượng vận tải Đa số các đơn vị vận tải hiện nay có quy mô nhỏ lẻ, nên việc quản lý các điều kiện về ATGT và chất lượng dịch vụ chưa được quan tâm đúng mức. Việc quá nhiều doanh nghiệp vận tải hoạt động trên cùng tuyến đường, cùng địa bàn đang làm nảy sinh nhiều tiêu cực, cụ thể là hiện tượng “xe dù, bến cóc”, chạy lòng vòng bắt khách, chở quá tải… gây mất trật tự ATGT. Thêm vào đó, không ít các đơn vị vận tải nhỏ lẻ không thực hiện quản lý, mà chỉ “núp bóng” doanh nghiệp, hợp tác xã để đăng ký thủ tục theo quy định với cơ quan quản lý, sau đó thuê xe, mua thương hiệu và giao khoán cho lái xe đảm nhận. Do đó, việc gắn “sao” cho phương tiện vận tải sẽ tăng cường trách nhiệm chủ xe, chủ doanh nghiệp, trách nhiệm lái xe, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại lực lượng vận tải, hướng tới cạnh tranh lành mạnh.

 

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Quyền: Áp dụng quy trình an toàn vận tải bằng sao Hoạt động vận tải ở nước ta đang “bung” ra như nấm sau mưa nhưng thiếu sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng. Do đó, việc đưa đề án vào áp dụng trong thực tế là cần thiết. Để xác định hạng chất lượng dịch vận tải, ngoài việc phải đạt được tổng số điểm theo quy định, đơn vị vận tải còn phải đáp ứng điều kiện về mức điểm tối thiểu của mỗi nội dung đánh giá. Những đơn vị đạt 4 - 5 sao mới được mở rộng thị trường, tăng xe hoạt động trên tuyến đường dài và quốc tế từ 500 km trở lên. Các doanh nghiệp còn lại chỉ được tham gia vận chuyển tuyến ngắn.

 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Giải quyết ngay những vấn đề bức xúc nhất Để đề án sớm đi vào cuộc sống, ngay từ năm 2013 - 2014, ngành GTVT phải xác định những nội dung yếu kém nhất, bức xúc nhất để tập trung giải quyết hiệu quả như: Trách nhiệm chủ xe, chủ doanh nghiệp, trách nhiệm lái xe; công tác quản lý taxi, xe buýt, bến xe, trạm dừng nghỉ... Bên cạnh đó, phải rà soát lại tất cả các chính sách về vận tải đường bộ, văn bản nào không còn phù hợp thì cho sửa đổi, thậm chí bãi bỏ. Quá trình rà soát, thực hiện phải tuân thủ các quy định của Luật hiện hành và không thêm giấy phép con, không gây khó cho người kinh doanh vận tải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN