Điều trị ARV sớm giúp dự phòng lây nhiễm HIV Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay trên thế giới, điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) được coi là điều trị đặc hiệu, giúp ức chế sự phát triển của vi rút; duy trì lượng vi rút thấp nhất trong máu, thông qua đó cũng duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch chưa bị suy giảm thì người nhiễm HIV chưa có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc chỉ mắc ở mức độ nhẹ.
Cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe, tư vấn, điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS tại bệnh viện Đa khoa khu vực huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Trong trường hợp hệ miễn dịch của người nhiễm HIV đã bị suy giảm, nhờ ARV kiềm chế sự nhân lên của HIV mà hệ miễn dịch được phục hồi trở lại; đồng thời làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV. Nhờ vậy, giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh, lâu dài như mọi người.
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra rằng: Người nhiễm HIV điều trị ARV sớm, duy trì điều trị tốt sẽ có tuổi thọ không thua kém người không nhiễm HIV. Việc điều trị bằng ARV kịp thời còn giúp cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Khi người nhiễm HIV khỏe mạnh, họ có khả năng lao động và làm việc như người không nhiễm HIV và tự tin sống hòa nhập với cộng đồng. Điều trị ARV kịp thời sẽ giảm nguy cơ tiến triển AIDS (mắc các nhiễm trùng cơ hội) và tử vong ở người nhiễm HIV; đặc biệt là giảm nguy cơ làm bệnh lao bùng phát.
Điều trị ARV còn giúp giảm khả năng lây truyền HIV sang vợ, chồng hoặc bạn tình của người nhiễm. Điều trị bằng ARV làm ức chế sự nhân lên của HIV và kìm hãm lượng HIV trong máu ở mức thấp, do vậy làm giảm khả năng lây truyền HIV từ người nhiễm sang người chưa nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn. Theo Tổ chức Y tế thế giới, sau 6 tháng điều trị ARV số lượng HIV có thể giảm xuống mức dưới 1.000 vi rút/mm3 máu. Khi đó khả năng lây truyền HIV theo đường tình dục có thể giảm.
Điều trị ngay bằng thuốc ARV khi chẩn đoán nhiễm HIV Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Hoàng Đình Cảnh nêu rõ: Mặc dù đạt được thành công nhưng trong hơn 10 năm qua, 80% chi phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và 95% kinh phí dành cho chăm sóc, điều trị ARV ở Việt Nam là từ nguồn viện trợ quốc tế. Nguồn viện trợ này đang giảm dần và sẽ chấm dứt trong tương lai gần.
Để giải quyết bài toán chăm sóc, điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS, Chính phủ có chủ trương chuyển chi trả điều trị ARV từ bao cấp thông qua viện trợ quốc tế sang bảo hiểm y tế. Đó chính là giải pháp bền vững cho công tác chăm sóc, điiều trị HIV/AIDS trong thời gian tới.
Việt Nam đã tiến hành đấu thầu tập trung ARV để cung cấp cho bệnh nhân tại các tỉnh, thành phố với chất lượng tương đương thuốc của chương trình quốc tế viện trợ và giá thành rẻ hơn. Như vậy, việc cung ứng thuốc ARV thay thế nguồn thuốc viện trợ quốc tế đã có hướng giải quyết khả thi. Hy vọng, trong thời gian không xa, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu 90-90-90 trong phòng chống HIV/AIDS để kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.
Đặc biệt, ngày 27/7/2017, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc sửa đổi nội dung, tiêu chuẩn bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) trong “Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS”. Theo Quyết định này, tiêu chuẩn khi bắt đầu điều trị ARV là “Điều trị ARV cho tất cả các trường hợp nhiễm HIV, không phụ thuộc vào số lượng tế bào TCD4 và giai đoạn lâm sàng”.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Ngay sau đó, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, y tế các bộ, ngành và các cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố, các bệnh viện tuyến trung ương điều trị HIV/AIDS triển khai ngay quyết định này của Bộ Y tế.
Như vậy, với quyết định và hướng dẫn này, người nhiễm HIV sẽ được tiếp cận với thuốc ARV sớm ngay sau chẩn đoán nhiễm HIV. Quyết định này cũng cho thấy sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với sức khỏe của người nhiễm HIV khi áp dụng khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới trong điều trị ARV trong bối cảnh nguồn lực còn rất hạn chế và nhiều nước trên thế giới cũng chưa áp dụng được khuyến cáo này…
Thời gian tới, công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ tập trung vào các hoạt động như: Tối ưu hóa phác đồ điều trị; thí điểm việc cấp thuốc ARV nhiều tháng cho các trường hợp điều trị ổn định; triển khai xét nghiệm tải lượng vi rút thường qui trong theo dõi điều trị ARV… Đồng thời, ngành y tế sẽ kiện toàn các phòng khám ngoại trú; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh HIV qua bảo hiểm y tế đối với các cơ sở đã ký hợp đồng khám chữa bệnh HIV với cơ quan bảo hiểm…