Duy trì điều trị ARV - Bài 2: Điểm sáng trong khu vực

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong khu vực về điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV), đặc biệt là việc tiên phong thực hiện các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về phác đồ điều trị và tiếp cận phổ cập, để người nhiễm dễ dàng tiếp cận thuốc ARV.

Gần 120.000 người được điều trị ARV

Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Thời gian đầu, hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS ở Việt Nam chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, sau đó được mở rộng hơn. Năm 2005, nước ta mới chỉ điều trị được cho 5.000 bệnh nhân tại các bệnh viện lớn của Trung ương và một số bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố. Tuy nhiên, từ năm 2016, với sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn của Chương trình hỗ trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) và Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét, Việt Nam đã mở rộng điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV trên phạm vi cả nước.

Nhân viên y tế tư vấn, cấp thuốc điều trị ARV cho người nhiễm bệnh tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Điều trị ARV đã nhanh chóng cải thiện được sức khỏe cho người bệnh, giảm mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm tử vong và giảm lây nhiễm HIV. Chính vì vậy, điều trị ARV được xem là giải pháp dự phòng tích cực. Đến tháng 6/2015, Việt Nam đã đạt mốc điều trị cho 100.000 người nhiễm HIV và đến cuối năm 2015 điều trị cho 106.423 bệnh nhân, vượt mục tiêu kế hoạch quốc gia đề ra là 105.000 bệnh nhân. Đây là một nỗ lực vượt bậc và thành công đáng ghi nhận của hệ thống điều trị HIV/AIDS của nước ta.

Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh: Tiếp nối thành công, chương trình điều trị ARV đã được mở rộng liên tục, đến tháng 7/2017, trên toàn quốc có gần 120.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ARV. Việt Nam bắt đầu thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV thường quy cho bệnh nhân đang điều trị ARV trên toàn quốc. Tỷ lệ người bệnh đang điều trị ARV dưới ngưỡng ức chế là 94,2%.

Theo nghiên cứu theo dõi điều trị ARV tại Quảng Ninh bằng theo dõi đo tải lượng HIV, kết quả nghiên cứu cho thấy: 96% bệnh nhân điều trị ARV không làm lây nhiễm HIV.

Trong bối cảnh nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS hạn hẹp, nhờ triển khai mở rộng công tác chăm sóc, điều trị ARV, Việt Nam đã tránh cho 150.000 người thoát khỏi tử vong do AIDS trong vòng 15 năm qua. Người nhiễm HIV đã ngày càng tự tin hòa nhập cộng đồng, tích cực tham gia vào các hoạt động chăm sóc, điều trị và các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong cả nước. Cùng với công tác điều trị ARV tại cộng đồng, Việt Nam đã mở rộng điều trị trong các trại giam, trại tạm giam và Trung tâm 06, tạo môi trường thuận lợi để nâng cao sức khỏe cho các phạm nhân, ngăn chặn lây lan HIV trong khu vực khép kín.

Hướng đi đúng khi sử dụng nguồn thuốc từ bảo hiểm y tế

Tiến sỹ Kato Masaya, đại diện WHO nêu rõ, tuân thủ điều trị ARV chính là cơ hội cho người nhiễm HIV được sống khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ có thể trên 50 năm kể từ khi nhiễm HIV. Đánh giá về hiệu quả chương trình HIV/AIDS, theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã dự phòng cho hơn 400.000 người không bị nhiễm HIV.

Về bảo đảm tính bền vững của chương trình điều trị HIV/AIDS khi viện trợ quốc tế cắt giảm, Tiến sỹ Kato Masaya nhận định, Việt Nam đã có bước chuyển đổi mạnh mẽ và đúng hướng khi chuyển sang sử dụng nguồn thuốc từ bảo hiểm y tế. Việc cung ứng thuốc ARV được bảo đảm. Trước đây, thuốc ARV 95% từ nguồn viện trợ quốc tế như Quỹ Toàn cầu và Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) nhưng từ năm 2015 Việt Nam đã chủ động mua sắm thuốc ARV.

Thuốc ARV do Việt Nam trực tiếp đấu thầu đều đạt tiêu chuẩn của WHO. Đặc biệt, giá thuốc ARV đấu thầu trong nước có chất lượng tương đương với thuốc của Quỹ Toàn cầu và Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ nhưng giá thành rẻ hơn. Nếu tính cùng loại thuốc và cùng thời điểm mua sắm thì giá thuốc do Việt Nam mua rẻ hơn khoảng 5% so với giá thuốc của chương trình Quỹ Toàn cầu và Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ mua. Như vậy, Việt Nam có thể chủ động trong việc mua sắm thuốc ARV trong nước với chất lượng tốt, giá cạnh tranh.

Đặc biệt, một số nghiên cứu mới cho thấy, tỷ lệ đồng nhiễm viêm gan C trong nhóm người nhiễm HIV rất cao, khoảng trên 65%. Do vậy, người nhiễm HIV cần chủ động xét nghiệm sàng lọc viêm gan C để điều trị kịp thời trong bối cảnh đã có thuốc chữa khỏi viêm gan C. Gần đây, bác sỹ Ngô Thị Kim Cúc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương và các cộng sự quốc tế đã đánh giá hiệu quả thuốc mới Raltegravir hoặc Elbasvir với kết quả rất ấn tượng: Hầu hết bệnh nhân được chữa khỏi viêm gan C sau 3 tháng điều trị. Kết quả nghiên cứu cũng cho biết, thuốc mới có hiệu quả rất tốt đối với các trường hợp đồng nhiễm viêm gan C và HIV. Tuy nhiên, giá thành thuốc điều trị viêm gan C còn khá cao và cần thời gian để vào được thị trường Việt Nam…

Bài cuối: Điều trị ngay khi được chẩn đoán nhiễm HIV
Thu Phương (TTXVN)
Duy trì điều trị ARV- Bài 1: Kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS
Duy trì điều trị ARV- Bài 1: Kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS

Hiện nay, nguồn viện trợ quốc tế dành cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở nước ta đang dần bị cắt giảm, gây ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS. Việc đảm bảo cung ứng đủ thuốc kháng vi rút (ARV) đang là một trong những nhiệm vụ khó khăn của hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN