Cả nước đang bắt đầu bước vào đợt cao điểm nắng nóng, ở một số nơi nhiệt độ có thể lên đến hơn 40 độ C. Câu chuyện nghỉ học, đuối nước của trẻ cứ tái diễn liên tục từ năm này qua năm khác không có hồi kết. Đây không chỉ là nỗi lo của mỗi người, mỗi gia đình mà còn là của toàn xã hội.
Gia tăng các vụ đuối nước từ đầu năm
Từ đầu năm đến nay, tại một số địa phương xảy ra nhiều vụ đuối nước trẻ em thương tâm. Điển hình như: ngày 22/4, hai học sinh nữ là NTTT và BTNL (sinh năm 2013), cùng học tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) sau giờ nghỉ học có ra đập chơi và không may bị đuối nước. Khi xảy ra vụ việc, người dân đã khẩn trương cứu giúp và cấp cứu nhưng hai cháu đã không qua khỏi.
Cũng trong ngày 22/4, bốn học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, trên đường đi học về đã đến khu vực hồ thủy lợi Việt Đức 4 (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) để tắm. Khi đang tắm, các em không may đi vào vùng nước sâu, dẫn đến ba học sinh bị đuối nước.
Trước đó, ngày 17/4, sau khi tan trường, một nhóm học sinh lớp 7, trường Trung học Cơ sở Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa rủ nhau ra khu vực đập Khe Dứa (Xóm 2, xã Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn, Nghệ An) chơi. Trong lúc đi men theo mép nước, một em không may bị trơn trượt, sẩy chân rơi xuống, em khác đưa tay ra cứu nhưng không thành công, cả hai bị chìm xuống dòng nước sâu. Đến khoảng 18 giờ, người dân mới tìm thấy thi thể hai nữ sinh. Theo thống kê của tỉnh Nghệ An, từ ngày 15/12/2023 đến giữa tháng 4/2024, trên địa bàn xảy ra 12 vụ tai nạn đuối nước, làm 16 người chết...
Đây chỉ là một số ví dụ về các vụ đuối nước của trẻ em xảy ra trong tháng 4/2024 tại các địa phương. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù số trẻ em đuối nước giảm dần trong những năm gần đây nhưng đây vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.
Các chuyên gia đánh giá, là một quốc gia có bờ biển dài và nhiều sông suối nên tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam vẫn đứng thứ 7 trong các quốc gia ở Tây Thái Bình Dương; số lượng trẻ tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần so với các nước khác. Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tích đối với trẻ em.
Năm 2024, dự báo thời tiết sẽ nóng hơn do ảnh hưởng của El Nino, trẻ có nhu cầu bơi lội nhiều hơn. Hơn nữa, người dân ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đào nhiều ao, hồ hơn để sản xuất nông nghiệp. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước cho trẻ em hơn.
Giảm tình trạng tử vong do đuối nước
Bơi là kỹ năng cơ bản, cần thiết nhất để trẻ em phòng tránh tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động dạy bơi cho học sinh vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Một số trường tiểu học tại các thành phố lớn đã thực hiện thí điểm dạy bơi cho học sinh nhằm phổ cập bơi lội. Tuy nhiên, việc tổ chức các buổi học bơi trong trường gặp nhiều khó khăn khi thiếu hồ bơi và giáo viên phụ trách. Điều này càng trở nên khó khăn hơn tại các khu vực nông thôn.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay chỉ có 42/63 tỉnh, thành phố có ngân sách để đầu tư riêng cho phòng, chống đuối nước.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước chỉ có gần 2.200 trường có bể bơi/tổng số hơn 25.000 trường, chiếm 8,63%. Tỷ lệ học sinh biết bơi chỉ chiếm 33,59%.
Theo nhiều chuyên gia, phòng tránh tai nạn đuối nước không chỉ đơn giản là việc học bơi. Quan trọng hơn, trẻ em cần được hướng dẫn về nơi chơi, cách chơi một cách an toàn. Thực tế cho thấy, việc trang bị kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố cho trẻ em, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Do đó, bên cạnh việc tăng cường giáo dục, giám sát, việc rèn luyện, bồi dưỡng những kỹ năng cơ bản cho cuộc sống cho trẻ em là cực kỳ quan trọng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch hướng tới kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn đuối nước trẻ em. Các mục tiêu cụ thể được đưa ra là: 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Phấn đấu 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và đạt 70% vào năm 2030. 50% trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và nâng lên 60 % vào năm 2030.
Cùng đó, 90% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em năm 2025 và đạt 95% vào năm 2030. Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030 so với năm 2020.
Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ là trách nhiệm của cá nhân, còn là trách nhiệm của cả xã hội. Để đạt được mục tiêu này, cần triển khai các biện pháp đồng bộ. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và cộng đồng là rất cần thiết. Các chiến lược tuyên truyền và giáo dục cần được thực hiện rộng rãi, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cao. Gia đình và nhà trường cần được trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em và nâng cao ý thức về an toàn. Việc phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em đòi hỏi sự đồng lòng, nỗ lực từ tất cả các bên liên quan. Chỉ khi có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng, các tổ chức và Chính phủ, mục tiêu bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho thế hệ tương lai mới có thể thành công - Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nêu rõ.