Vẫn áp dụng cách dạy cũ lên môi trường trực tuyến
Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực (Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp) mới đây đã tiến hành khảo sát đối với 997 cán bộ quản lý các cấp, 2.108 nhà giáo, 16.671 học sinh, sinh viên và 138 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Kết quả cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, 69,5% số lượng giáo viên và 83,8% số lượng học viên có tham gia dạy và học thông qua các công cụ dạy học trực tuyến như Zoom, Google Meeting, Microsoft Teams. Có 69,8% giáo viên đã được đào tạo, hướng dẫn giảng dạy trực tuyến.
Khảo sát trên cho thấy nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bước đầu áp dụng công nghệ và học liệu số trong việc dạy học. Đặc biệt là các khối ngành kỹ thuật, có một số ngành như cơ điện, ô tô... ứng dụng các chương trình mô phỏng và học liệu điện tử của các hãng lớn (Daikin, Electrolux...), hoặc được tài trợ (chương trình cơ điện lạnh do Ôxtrâylia tài trợ của Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội) vào dạy học…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số lượng này còn vẫn còn ít. Còn đi vào chi tiết thì sự tương tác qua lại giữa người dạy và người học, phần lớn các công nghệ sử dụng chỉ mang tính chất một chiều: Giáo viên sử dụng công nghệ và học liệu để trình diễn cho học viên xem.
Theo kết quả khảo sát online của Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp, có 87,8% giáo viên áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào giờ dạy lý thuyết, 70,7% vào giờ dạy thực hành. Tuy nhiên, có đến 80% giải pháp đưa ra là sử dụng thiết bị và phần mềm trình chiếu, demo video, hình ảnh, phần mềm... Như vậy, tính mở và linh hoạt của các chương trình đào tạo chưa cao, dẫn đến hạn chế trong việc cập nhật nội dung đào tạo hiệu quả và kịp thời.
Chia sẻ tại Tọa đàm khoa học trực tuyến về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp do Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức ngày 30/11, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã triển khai mô đun hóa nội dung, nhưng một số trường chưa triển khai hoặc triển khai chậm. Việc triển khai mô đun hóa nội dung, chương trình môn học còn mang tính hình thức, chưa thực sự cấu trúc lại chương trình và nội dung một cách khoa học, đúng bản chất của mô đun hóa.
“Tỷ trọng kiến thức, kỹ năng liên quan đến công nghệ số (IoT, AI, phân tích dữ liệu lớn...) trong các ngành truyền thống còn chưa cao khiến công tác đào tạo trực tuyến chưa sinh động và chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường”, ông Phạm Vũ Quốc Bình đánh giá.
Các ngành khối kỹ thuật như cơ khí ô tô, điện lạnh, điện - điện tử, cơ điện tử cũng chưa cập nhật các kiến thức về IoT, về AI. Mặc dù một số ngành như cơ khí chế tạo máy, điện điện tử dành một thời lượng đáng kể để dạy các kiến thức, kỹ năng về lập trình CNC, PLC nhưng nhìn chung các trường chưa có kế hoạch rõ ràng về việc đưa đào tạo năng lực số vào các môn cơ sở ngành và các môn chuyên ngành.
Triển khai đồng bộ nâng chất lượng
Công việc của người lao động, kể cả bậc học cao đẳng, trung cấp hay công nhân kỹ thuật liên quan rất lớn đến việc sử dụng các phần mềm chuyên ngành. Trong tương lai, các kỹ năng sử dụng phần mềm chuyên ngành sẽ ngày càng quan trọng hơn. Mặc dù vậy, việc đầu tư cho các phần mềm chuyên ngành phục vụ giảng dạy của các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chưa được chú ý đầu tư đúng mức. Phần lớn các phần mềm được giảng dạy còn lạc hậu (các phiên bản rất cũ) và thường là các phần mềm không có bản quyền.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trường Đại học sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, các cơ sở đào tạo nghề hiện mới chỉ quan tâm đến Digital Learning (bài giảng điện tử) mà chưa chú trọng đến Big Data để lưu trữ dữ liệu, Digital Media để kết nối với các mạng xã hội hay Digital Campus để tối ưu hóa quá trình giảng dạy vào thực tiễn…
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo trực tuyến. Hiện, các nhà thực hành, các thư viện, các bộ phận chứng chỉ vẫn chủ yếu thực hiện theo kiểu truyền thống, chưa điện tử hóa, chưa có thư viện số, phòng thực hành số.
PGS TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết cần phải đầu tư các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, vì riêng đối với việc đào tạo nghề thì thực hành là vô cùng quan trọng. Chỉ có các xưởng thực hành ảo mới có thể đáp ứng được sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay và giúp quá trình học và giảng dạy thuận tiện hơn.
Ngoài vấn đề hạ tầng, để nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến, năng lực dạy học trực tuyến của nhà giáo là yếu tố quan trọng, cốt lõi quyết định đến hiệu quả dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, đối với nhà giáo hiện nay, phần lớn đều xem dạy học trực tuyến là hình thức dạy học hoàn toàn mới và chưa có kinh nghiệm thực tiễn, nên gặp nhiều lúng túng khi thực hiện. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các nền tảng công nghệ số trong dạy học trực tuyến của nhà giáo còn nhiều hạn chế. Phần lớn nhà giáo còn gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn và xây dựng học liệu số, tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá trong môi trường dạy học trực tuyến.
Do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có quy chuẩn dữ liệu trong đào tạo trực tuyến, tránh tình trạng phải chuyển đổi quy chuẩn dữ liệu hay khó khăn trong quá trình công nhận. Điều này vừa gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục về tài chính, thời gian, vừa không bảo đảm kết nối toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
Để làm được điều này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn, các hiệp hội nghề nghiệp về công nghệ thông tin. Như vậy sẽ giúp cơ cấu các ngành, tên ngành, nội dung, chương trình đào tạo cũng như quy mô, chất lượng đội ngũ giáo viên từng bước được nâng cao. Khi hệ thống giáo dục được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thì từng bước đáp ứng tốt các yêu cầu của doanh nghiệp về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các yêu cầu chuyển đổi số chung của nền kinh tế.