Tại hội nghị, một số đại biểu có ý kiến về quy định thời gian thông báo cho bên còn lại khi một bên muốn chấm dứt hợp đồng lao động.
Cụ thể, trong Luật Lao động năm 2012 chỉ quy định thời gian tối thiểu để người lao động và người sử dụng lao động thông báo cho bên còn lại biết việc chấm dứt hợp đồng lao động mà không quy định thời gian tối đa. Theo các đại biểu, quy định này vô hình chung tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp, người lao động yêu cầu thời gian thông báo trước lên đến 6 tháng, thậm chí là 1 năm, gây bất lợi cho bên còn lại.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Phó Trưởng phòng Việc làm, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, doanh nghiệp và người lao động có thể tự thỏa thuận dựa trên thời gian tối thiểu mà Luật Lao động quy định đối với từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, cả người lao động và người sử dụng lao động cần cân nhắc kỹ và lường trước những bất lợi mà thỏa thuận gây ra trước khi ký kết hợp đồng lao động.
Về thời gian thử việc và thời hạn của hợp đồng lao động với người nước ngoài, đại diện Sở Lao động -Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đối với người lao động có trình độ đại học trở lên, thời gian thử việc không quá 60 ngày; đối với lao động là người nước ngoài thì thời hạn hợp đồng lao động phụ thuộc vào thời hạn giấy phép lao động mà người đó được cấp. Nếu doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài trong một thời gian dài thì phải ký kết hợp đồng lao động nhiều lần, thời hạn của mỗi lần ký kết không dài hơn thời hạn của một giấy phép lao động, tức là không quá 5 năm.
Doanh nghiệp quan tâm tới các vấn đề liên quan đến việc thực hiện hợp đồng lao động, chi trả tiền lương,.. Ảnh: TTXVN |
Đối với câu hỏi của đại diện Công ty UNISON Việt Nam về về quy trình xây dựng thang, bảng lương, ông Nguyễn Bảo Cường, Phó phòng Tiền lương – tiền công, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, hiện pháp luật lao động không quy định về quy trình xây dựng thang lương, bảng lương của các công ty ngoài Nhà nước, do đó doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện dựa trên đặc điểm sử dụng lao động của doanh nghiệp và đảm bảo phù hợp với Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương.
Đối với thắc mắc của doanh nghiệp về mức lương tính trợ cấp thôi việc, ông Nguyễn Bảo Cường giải thích, mức trợ cấp thôi việc được tính dựa trên mức lương trung bình mà người lao động được hưởng trong 6 tháng trước khi thôi việc. Mức lương này bao gồm cả lương cơ bản, phụ cấp lương và các phụ cấp khác nếu có.
Ngoài việc giải đáp trực tiếp tại hội nghị, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ tiếp tục nhận câu hỏi liên quan đến vấn đề lao động, việc làm, tiền lương và trả lời doanh nghiệp thông qua trang thông tin điện tử: http.doithoaidn.hochiminhcity.gov.vn.