Điện Biên: Rừng nguyên sinh Tủa Chùa 'chảy máu'

Những cánh rừng nguyên sinh còn lại của huyện Tủa Chùa (Điện Biên) đang phải đối mặt với nguy cơ bị tàn phá, vì nơi đây có những cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi - một loại gỗ quý thuộc nhóm 2a, quý hiếm.


Các p/v TTXVN và báo Điện Biên Phủ đang tác nghiệp tại hiện trường vụ phá rừng ở Tủa Chùa. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN


Vượt quãng đường trên 150 km từ thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi men theo con đường mòn đi nương của người dân chỉ vừa 1 vệt bánh xe máy với những con dốc dựng đứng khoảng 5km. Giấu xe trong rừng rồi tiếp tục đi bộ luồn rừng khoảng 1 giờ nữa, chúng tôi đến khu rừng gần bản Pá Ỏ, xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa). Tại khu vực này, cảnh tượng đau lòng đã hiện ra, đó là hàng chục cây gỗ nghiến hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tuổi đã bị chặt hạ. Nhiều thân gỗ lớn đã bị cắt khúc bằng cưa máy, nằm ngổn ngang. Có những thân gỗ chỉ còn lại phần bên ngoài, còn nguyên vết tích đã cắt ra được gần 1 trăm chiếc thớt và chuyển đi đâu đó.

Luồn rừng, bám vào những vách đá tai mèo sắc nhọn dựng đứng để khảo sát một góc nhỏ trong cánh rừng, chúng tôi đếm được có khoảng gần 30 cây gỗ nghiến bị chặt hạ, có cây đường kính lên tới 1,2m. Nhiều gốc cây nằm đó với vết cắt ngang thân bằng cưa máy, song thân cây thì đã được đưa đi đâu không rõ, chỉ còn lại những dấu tích của hiện trường khai thác quy mô. Song, cũng có hàng chục thân gỗ lớn đã bị cắt thành những khúc dài từ 1,5- 2m, sẵn sàng cho việc cưa xẻ ra thành phẩm. Tại nhiều vị trí, dấu vết của vụ khai thác, chế biến tại chỗ vẫn còn nguyên với những phần bạnh gỗ bên ngoài được loại ra, những đống mùn cưa vẫn còn mới, nhưng phần lõi đã bị xẻ thành hộp gỗ thì đã được vận chuyển đi. Một người dân địa phương làm nhiệm vụ dẫn đường cho chúng tôi, nói: Vào sâu bên trong các cánh rừng, còn rất nhiều địa điểm bị khai thác như thế này, nhưng nếu muốn đến, sẽ phải mất cả ngày đi bộ.

Ông Trần Đức Quyền, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa cho biết: Qua kiểm tra , lực lượng chức năng đã phát hiện 49 cây, lóng, khúc gỗ nghiến với khối lượng 204m3 nằm rải rác trong rừng. Tuy nhiên, đây lại thuộc địa phận của xã Nà Càng của huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La). Còn tại khu vực Tiểu khu 557 thuộc thôn Làng Vừa I, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa- Điện Biên), lực lượng kiểm lâm cũng phát hiện 73 cây, lóng, khúc gỗ nghiến với khối lượng 227 m3 bị gãy, đổ... nằm rải rác trong rừng từ năm 2013. Hiện số gỗ này đang bị một số đối tượng xẻ thành gỗ hộp, thớt nghiến và vận chuyển ra ngoài tiêu thụ. Còn trong quý I năm 2014, Kiểm lâm địa bàn báo có 1 số đối tượng chặt hạ 15 cây gỗ nghiến với khối lượng gần 22 m3. Toàn bộ số tang vật này vẫn đang nằm tại hiện tường, rải rác trong các khoảnh 5,6,7 của Tiểu khu 557 (xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa). Sau khi phát hiện, Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa đã phối hợp với Công an huyện tiến hành xác minh, lấy lời khai của một số đối tượng nghi vấn. Nhưng quá trình điều tra không đủ căn cứ để chứng minh đề xử lý theo pháp luật. Hội đồng định giá huyện đã hoàn tất thủ tục để tổ chức bán đấu giá theo quy định, tuy nhiên theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy Tủa Chùa cho đến nay chưa tổ chức bán đấu giá số gỗ trên, nên hiện toàn bộ số gỗ vẫn được giữ nguyên tại hiện trường.

Nhiều năm nay, gỗ nghiến là một mặt hàng quý hiếm trên thị trường cả nước. Những bộ bàn ghế làm từ “ngọc nghiến”, tức là phần thân gỗ có u, mấu mà người ta vẫn gọi là mắt nghiến được rao bán với giá hàng tỷ đồng. Những chiếc lộc bình bóng loáng với những hoa văn tự nhiên từ thớ gỗ lạ mắt cũng được rao bán hàng chục cho tới cả trăm triệu đồng. Đơn giản hơn, những chiếc thớt gỗ nghiến có đường kính từ 40 cm đến 70 cm bày bán công khai trên đỉnh đèo Pha Đin, nơi giáp ranh giữa tỉnh Điện Biên với Sơn La cũng có giá từ 120- 300 nghìn đồng. Điều này đã lý giải tại sao những cánh rừng nguyên sinh còn lại ở Mường Đun, Tủa Thàng (Tủa Chùa- Điện Biên) hay Quỳnh Nhai (Sơn La) đang ngày đêm bị "chảy máu".

Về thực trạng này, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, ông Mùa Ngọc Tú cho biết: Sự việc trên, huyện đã nghe người dân báo cáo lên cách đây 1 tháng. Huyện đã họp đã yêu cầu Phó chủ tịch huyện phụ trách khối nông- lâm chỉ đạo trực tiếp, giao cho Kiểm lâm đi kiểm tra và báo cáo bằng văn bản, nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo vì còn phải đi kiểm tra từng điểm. Đây là địa bàn nằm giáp ranh giữa xã Mường Đun - Tủa Thàng của huyện Tủa Chùa với xã Phình Sáng của huyện Tuần Giáo và xã Nà Càng của huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) nên vấn đề giải quyết rất phức tạp. Số gỗ trước đây đã bị hạ xuống nằm trong rừng từ đầu năm, huyện sẽ ra quyết định tịch thu và đưa vào đấu giá. Còn số gỗ thớt của Mường Đun thì mới nghe như vậy. Huyện đang yêu cầu báo cáo để tìm cách xử lý.

Như vậy có thể thấy, tình trạng “chảy máu rừng” đang xảy ra trên địa bàn huyện Tủa Chùa, có một vấn đề lớn nhất là địa điểm nằm ở vị trí giáp ranh giữa các địa phương trong tỉnh Điện Biên và giữa 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La. Một số vị trí rừng bị khai thác trái phép vẫn nằm trong khu vực chưa xác định rõ thuộc địa bàn địa phương nào quản lý và chịu trách nhiệm. Các đối tượng khai thác lâm sản trái phép thường khai thác gỗ tại địa bàn này rồi vận chuyển bằng đường bộ sang huyện Tuần Giáo hoặc đi qua huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) để tiếp tục vận chuyển bằng đường sông. Vì vậy, nếu thiếu sự phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và chính quyền các địa phương trong tỉnh, giữa các tỉnh giáp ranh thì công tác bảo vệ rừng khó có thể đạt hiệu quả.


Tin, ảnh: Chu Quốc Hùng- Trịnh Xuân Tư (TTXVN)
Phóng viên không tiếp cận được hiện trường vụ phá rừng lớn ở Gia Lai
Phóng viên không tiếp cận được hiện trường vụ phá rừng lớn ở Gia Lai

Xác định đây là vụ phá rừng có qui mô lớn, phóng viên TTXVN đã tiếp cận hiện trường để tìm hiểu rõ sự việc. Tuy nhiên, việc tiếp cận hiện trường không đạt kết quả vì các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai “đá bóng” trách nhiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN