Từ năm 2021 đến nay, Bộ Tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp (LLTP) quốc gia đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy định về công tác cấp Phiếu LLTP, trong đó có một số văn bản thống nhất hướng dẫn Sở Tư pháp địa phương như: Quyết định số 1050/QĐ-BTP về việc công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực lý lịch tư pháp thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp; Công văn số 1722/BTP-TTLLTPQG ngày 30/5/2022 về việc hướng dẫn tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục cấp Phiếu LLTP.
Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Công văn số 4105/BTP-TTLLTPQG ngày 05/9/2023 về việc tăng cường phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Theo đó, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu xuất trình/nộp Phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện đúng quy định của Luật lý lịch tư pháp.
Tại cuộc họp do Bộ Tư pháp chủ trì ngày 27/2/2024, đại diện các bộ, ngành, địa phương đều bày tỏ đồng tình với sự cần thiết của việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Nghệ An.
Các đại biểu cũng góp ý cụ thể đối với các chính sách như: Đề nghị bổ sung tiêu chí để lựa chọn các Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Nghệ An tham gia thí điểm, bảo đảm tính đại diện, có giá trị thực tiễn khi tổng kết thực hiện thí điểm; đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện thực hiện thí điểm; về dự kiến nguồn nhân lực thực hiện thí điểm; đề nghị xem xét bổ sung người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng thực hiện thí điểm...
Thực tế những ngày qua, lượng người dân đến Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp tăng đột biến. Trong 2 tuần làm việc cuối tháng 2/2024, Sở Tư pháp tiếp nhận gần 7.600 hồ sơ, trung bình tiếp nhận trên 700 hồ sơ/ngày (tăng 71% so với thời điểm trước Tết).
Theo bà Hoàng Thị Hương Lan, Trưởng Phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh lý giải tình trạng trên là do số lượng công dân có nhu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp bị dồn lại sau kỳ nghỉ Tết. Cùng với đó, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động mới; công dân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để gia hạn các giấy tờ như giấy phép hành nghề, chứng chỉ chuyên ngành…
Để đáp ứng yêu cầu của công dân, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã mở thêm các quầy tiếp nhận hồ sơ, bổ sung nhân sự tiếp nhận hồ sơ, thu phí và trả kết quả. Huy động lực lượng công chức, đoàn thanh niên hướng dẫn công dân khai thông tin và chuẩn bị giấy tờ cần thiết. Trang bị thêm cơ sở vật chất phục vụ công dân khi số lượng công dân đến Sở tăng cao. Lắp đặt thiết bị an ninh để đảm bảo trật tự, phục vụ công tác truy xuất hình ảnh khi cần thiết. Phòng chuyên môn tăng cường làm việc ngoài giờ và ngày nghỉ để kịp thời xử lý hồ sơ.
Nếu Nghị quyết về việc thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại 3 địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Nghệ An được thông qua sẽ góp phần giảm tải lượng hồ sơ nộp trực tiếp tại các Sở Tư pháp, rút ngắn thời gian làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của người dân.