Sáng ngày 29/2, có thời điểm mỗi lượng vàng miếng SJC được niêm yết giá 78.000.000 - 80.000.000 đồng ở hai chiều mua vào - bán ra, tăng vọt so với ngày hôm qua. Đây là mức cao nhất của vàng miếng từ đầu năm 2024 đến nay. Nếu so với mức đỉnh thiết lập vào ngày 26/12/2023, giá vàng miếng SJC hôm nay chỉ thấp hơn khoảng 300.000 đồng ở chiều bán ra, còn chiều mua vào lại thấp hơn khoảng 1.000.000 đồng mỗi lượng.
Giá vàng SJC tăng vọt nhưng nhiều người mua vàng từ ngày vía Thần Tài 2024 vẫn than lỗ vì chênh lệch mua vào - bán ra vẫn ở mức cao. Theo đó, chốt phiên 19/2 (tức ngày vía Thần Tái), giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 74.900.000 - 77.900.000 đồng/lượng hai chiều mua vào - bán ra. Trong khi đó, chiều hôm nay 29/2 giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 77.500.000 - 79.500.000 đồng hai chiều mua vào - bán ra.
Chị Nguyễn Thanh Thúy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Ngày vía Thần Tài, tôi xếp hàng mua 1 lượng vàng SJC với mức giá 78.020.000 đồng, nếu ra khỏi hiệu vàng và đem bán ngay thì lỗ khoảng 3.000.000 đồng. Đến hôm nay giá vàng tăng vọt lên gần 80.000.000 đồng tôi đem vàng đi bán thì giá mua vào chỉ khoảng 77.500.000 đồng, vẫn lỗ khoảng 500.000 đồng".
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay mỗi lượng vàng miếng SJC trong nước đang cao hơn 18.700.000 - 19.000.000 đồng so với vàng thế giới, tạo ra rủi ro cho người mua vàng. Người dân mua vàng với giá cao nhưng khi bán lại cho tiệm vàng thì được giá thấp, chênh lệch từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng. Tức là người kinh doanh vàng đẩy cái "rủi ro" cho người mua vàng, nếu có những biến động trên thị trường thì người mua vàng phải chịu, đó là điều bất lợi cho người dân.
Dự báo về giá vàng miếng trong nước, các chuyên gia đưa ra hai kịch bản, tuỳ thuộc vào can thiệp chính sách từ phía cơ quan quản lý. Nếu Ngân hàng Nhà nước chưa có chính sách can thiệp thị trường vàng, giá vàng được dự báo còn dư địa tăng trước kỳ vọng về việc đồng đô la Mỹ yếu đi khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất.
Tuy nhiên, trong kịch bản Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng nguồn cung vàng miếng, giá vàng miếng sẽ đảo chiều giảm tuỳ thuộc vào liều lượng cung ra thị trường. Hoặc, việc ngưng độc quyền vàng miếng SJC (nếu có), sẽ khiến giá loại vàng này giảm mạnh, tuy nhiên đây là bài toán khó với chủ trương chống vàng hoá nền kinh tế cũng như ưu tiên kiểm soát và ổn định tỷ giá.