Theo biên bản được ký, hai bên sẽ phối hợp đào tạo hệ cao đẳng các ngành nghề thuộc lĩnh vực hàng không gồm: Bảo dưỡng tàu bay (mức A và mức B1, B2), sửa chữa cấu trúc tàu bay, nội thất tàu bay.
Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cho biết, Trường là đơn vị được Chính phủ Đức và Chính phủ Pháp chọn để xây dựng thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam. Trường có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên để có thể hợp tác cùng Công ty VAECO đào tạo nhân viên bảo dưỡng tàu bay đạt chuẩn quốc tế. Sinh viên tham gia khóa học sẽ được Trường trang bị tiếng Anh và kiến thức cơ bản, phần kiến thức chuyên ngành sinh viên sẽ học tại Công ty VAECO. Trong khóa đầu tiên (bắt đầu từ năm 2024), Trường đào tạo cho 17 sinh viên, thời gian học tập là 3 năm.
Theo ông Nguyễn Khánh Cường, khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành cần hơn 13.000 lao động, trình độ từ phổ thông đến trên đại học. Để chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ sân bay, vừa qua, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã hợp tác với Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực hàng không gồm: nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay; nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay.
Theo lãnh đạo Công ty VAECO, trong tương lai, nước ta cần nhiều nhân lực làm nghề bảo dưỡng tàu bay. Riêng sân bay Long Thành, khi đi vào khai thác giai đoạn 1, cần khoảng 400 lao động bảo dưỡng tàu bay. Chính phủ cũng như Công ty VAECO đang có định hướng xây dựng tại sân bay Long Thành một trung tâm bảo dưỡng tàu bay lớn nhất nước ta. Do tính chất đặc thù của kỹ thuật hàng không, người học tại đây, ngoài kiến thức chuyên môn, còn phải có trình độ tiếng Anh tốt, rèn luyện ý thức kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp.