Mỗi lần nhà máy này xả khói, nước thải ra môi trường thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Dù người dân và chính quyền bức xúc phản ánh nhiều lần nhưng tình trạng ô nhiễm đến nay vẫn chưa được khắc phục.
“Sống chung” với ô nhiễm
Đó là phản ánh của nhiều hộ dân bản Phiêng Chá, xã Nậm Tăm với phóng viên TTXVN những ngày cuối tháng 5/2024. Họ bức xúc, khốn khổ sống trong ô nhiễm không khí, nguồn nước… do nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn gây ra.
Được người dân dẫn lên khu vực đầu phía xả của nhà máy, phóng viên ngỡ ngàng trước dòng nước đục ngầu với mảng bám màu vàng dày đặc và có mùi thối nồng nặc. Khi chạm tay hoặc chân vào sẽ rất ngứa. Nguồn nước này chảy từ trên cao qua khe, suối về bản Phiêng Chá. Một số chỗ nguồn nước chảy xuống, phóng viên và người dân phát hiện ra cả những mảng nhỏ cao su.
Theo ghi nhận, nhà máy chế biến mủ cao su nằm trên tuyến đường từ thành phố Lai Châu nối các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ (thuộc bản Phiêng Chá, xã Nậm Tăm). Xung quanh khu vực nhà máy là đất canh tác nông nghiệp và nhà cửa của nhiều hộ dân. Bên trong nhà máy, mủ cao su tập kết chất thành đống lớn.
Chỉ tay vào nước sinh hoạt bị ô nhiễm, ông Tao Văn Mùn (bản Phiêng Chá, xã Nậm Tăm) bức xúc: "Nhà máy làm ở trên bốc ra mùi vừa tanh vừa thối. Mỗi lần tắm rửa xong tôi đều bị ngứa rồi chân tay sứt sẹo. Nước sinh hoạt giờ xuất hiện cặn màu vàng đục ngầu nhìn rất sợ, không dám dùng. Cán bộ xã xuống kiểm tra rồi động viên gia đình tôi lấy nước khác về sử dụng".
Không chỉ nguồn nước sinh hoạt, các hộ dân còn bị ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống do ô nhiễm. Đặc biệt, các ao hồ nuôi thủy sản không hiệu quả, ruộng lúa cho năng suất thấp, nhiều người bị bệnh ngoài da khi tiếp xúc với nước.
Bên cạnh ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí cũng khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
Tại cuộc trò chuyện giữa phóng viên với các hộ dân, anh Trần Công Khanh, ở bản Phiêng Chá, bộc bạch: "Khói nhà máy xả khiến người dân ngạt thở. Gia đình tôi ở gần khu vực nhà máy không chịu được phải chuyển xuống nhà kính rồi đóng kín cửa. Nhiều lần tôi có ý định bán nhà vì không thể ở được do khi hít phải khí này sẽ cảm thấy chóng mặt, khó thở. Nhất là trẻ con đi học về hôm nào quên không đeo khẩu trang thì hôm đó sẽ bỏ bữa".
Cũng theo anh Khanh, khói của nhà máy xả ra có mùi hôi thối do dầu chạy ô tô cộng với mủ cao su ủ đen rồi cho vào đốt, thời gian đốt thường từ 16 giờ 30 phút kéo dài đến đêm. Giờ người dân đi không được ở cũng không xong, nhiều hộ bỏ nhà cửa vì mùi thối nồng nặc. Bà con mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để có biện pháp xử lý.
Theo người dân địa phương, nhà máy chế biến mủ cao su gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống của họ rất rõ ràng. Mặc dù người dân liên tục kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý.
“Chỗ dựa” không còn
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ nhiều đời nay, đời sống bà con khu vực này chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Thế nhưng, từ khi nhà máy chế biến mủ cao su hoạt động khiến “chỗ dựa” của người dân không còn.
Ông Trần Văn Chiến (bản Phiêng Chá) chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống của người dân rất bình ổn, từ khi nhà máy cao su hoạt động xả thải bừa bãi khiến bà con bức xúc. Đặc biệt, người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, giờ ruộng đồng bị ảnh hưởng, cá thì chết, trâu bò uống phải nước ô nhiễm cũng bị ốm yếu, tình trạng này cứ kéo dài chúng tôi biết dựa vào đâu?”.
“Mặc dù nhiều lần phản ánh , chính quyền địa phương hứa nhiều lần vẫn không giải quyết. Dân bản đề nghị nhà máy chấm dứt hoạt động gây ô nhiễm, trả lại cuộc sống bình ổn cho nhân dân”, ông Chiến chia sẻ thêm.
Còn anh Tao Văn Hung (ở bản Phiêng Chá) buồn bã nói: "Tận dụng khi trời mưa, nhà máy xả thải xuống khe, khi nước này vào ao khiến cá bị chết. Gia đình tôi có cá chết 5-6 lần. Rất buồn khi tôi mua 6 triệu tiền cá giống, đến nay vẫn còn nợ 2 triệu, nhưng giờ cá chết biết lấy tiền đâu mà trả".
Chung hoàn cảnh với anh Hung, ông Tao Văn Chòi, ở cùng bản cho biết thêm, nhà máy xả thải khiến ruộng đồng của bà con ở khu vực phía sau bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất. Những năm trước vụ nào gia đình ông cũng thu được 27 bao thóc, nhưng riêng năm nay chỉ có 7 bao. "Giờ đây dân biết lấy gì mà ăn, kinh tế dựa vào đâu?", ông Chòi chua xót nói.
Theo người dân nơi đây, nhà máy chế biến mủ cao su này không hoạt động thường xuyên, họ gom mủ từ 10-15 ngày chất đống trong sân sau đó sản xuất liên tục trong vài ngày. Chờ đến khi trời mưa rồi lợi dụng xả nước thải trực tiếp ra môi trường vào thời gian giữa đêm. Điều này để tránh bị người dân và lực lượng chức năng phát hiện.
Còn khi xả khói mùi thối có thể phát tán trong phạm vi 3km, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là hàng trăm hộ dân sống quanh khu vực trung tâm xã Nậm Tăm.
Chính quyền chậm trễ
Sau khi người dân địa phương phản ánh, từ tháng 7/2023 đến nay, UBND xã Nậm Tăm liên tiếp có 5 văn bản báo cáo gửi UBND huyện Sìn Hồ về việc nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu hoạt động sản xuất gây ảnh hưởng ô nhiễm không khí, môi trường.
Điển hình nhất vào cuối tháng 8/2023, hơn chục hộ dân bản Phiêng Chá kéo đến trụ sở xã Nậm Tăm phản ánh về quá trình hoạt động nhà máy ảnh hưởng đến môi trường. Khi nhà máy hoạt động, từ 15-23 giờ, mùi hôi thối bốc ra khiến người dân có các triệu chứng: tức ngực, khó thở, đau đầu, cay mắt, buồn nôn, không ăn cơm được.
Sau đó, cũng có hai đoàn công tác gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công an tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sìn Hồ, UBND xã Nậm Tăm có buổi làm việc với lãnh đạo nhà máy chế biến mủ cao su.
Qua kiểm tra, các đoàn công tác đánh giá có hiện tượng như phản ánh của người dân, không khí trong và ngoài khu vực nhà máy, có mùi hôi thối nồng nặc, khó chịu; tại hiện trường có 4 điểm đang xả nước thải trực tiếp ra ngoài không qua hệ thống thu gom, xử lý.
Các đoàn công tác lập biên bản, yêu cầu nhà máy phải đưa các điểm tập kết mủ cao su sau sơ chế vào nhà có mái che; không được để tình trạng nước thải từ các bãi tập kết và chế biến thải trực tiếp ra môi trường; nghiên cứu giải pháp để cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho một số hộ gia đình dưới hạ lưu.
Đến đầu tháng 3/2024, nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu có báo cáo gửi UBND xã Nậm Tăm về việc khắc phục hiện trạng theo biên bản yêu cầu. Thế nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm Lò Văn Nghiêm cho biết, những hộ dân xung quanh nhà máy rất bức xúc và liên tục phản ánh lên chính quyền địa phương. Qua kiểm tra thực tế, nhìn cảm quan bằng mắt thường cho thấy có dấu hiệu bất thường, đúng như phản ánh của bà con. Tuy nhiên, thẩm quyền của xã chủ yếu báo cáo và kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền.
“Hiện xã chưa thống kê được thiệt hại cụ thể của người dân. Quan điểm của xã không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt, nhà máy sớm có biện pháp xử lý triệt để môi trường trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Thời gian tới, khi người dân có ý kiến xã lại tiếp tục báo cáo bởi chức năng chỉ đến vậy”, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Tăm cho biết thêm.
Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu được khởi công xây dựng từ tháng 12/2018 với công suất 5.000 tấn mủ SVR10/năm. Đến tháng 7/2023, nhà máy chính thức đi vào vận hành với công suất thiết kế 5.000 tấn mủ SVR10/năm. Với thời gian hoạt động 6 tháng (7/2023-1/2024) nhà máy chế biến được 5.121 tấn mủ.