Hồ Trúc Kinh, huyện Gio Linh có sức chứa 39 triệu m3. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN |
Theo đó, Bộ đề nghị các địa phương tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; xây dựng cơ sở dữ liệu; áp dụng công nghệ tiên tiến hỗ trợ việc điều tiết, đảm bảo an toàn hồ chứa và quản lý ngập lụt vùng hạ du hồ chứa. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra quản lý của các chủ đập, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp không thực hiện quy định pháp luật về quản lý an toàn đập.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng tổ chức kiểm tra, kiểm định, đánh giá an toàn công trình, vận hành thử thiết bị cơ khí cửa van xả lũ, cống lấy nước. Đối với các hạng mục công trình xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố, cần sửa chữa xong trước mùa mưa lũ. Đồng thời, lập phương án phòng, chống lụt, bão cho công trình; chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị dự phòng, đảm bảo chủ động ứng phó với mọi tình huống.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương rà soát, bổ sung phương án bảo vệ công trình, bố trí cán bộ trực nghiêm túc, đảm bảo tuyệt đối không xảy ra bất cứ hành vi xâm phạm trái phép công trình, đặc biệt tại các vị trí điều khiển vận hành cửa van tràn xả lũ, cống lấy nước.
Mặt khác, theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thủy văn để thực hiện phương án điều tiết nước phù hợp nhằm đảm bảo an toàn công trình đồng thời tích nước hợp lý để phục vụ sản xuất.
Đối với các hồ chứa có van xả lũ, trong thời gian mưa, lũ, cần quan trắc, tính toán lưu lượng nước đến hồ để chủ động vận hành nhằm đảm bảo an toàn công trình vùng hạ lưu.
Ngoài ra, các chủ đầu tư đôn đốc, kiểm tra các công trình đang thi công xây dựng phải đảm bảo đúng tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn. Chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng phương án và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn các công trình đang thi công trên địa bàn.
Đặc biệt, các chủ đầu tư cập nhập thông tin vận hành các hồ chứa lớn tối thiểu 1 lần/ngày khi không có mưa, lũ và 3 lần/ngày khi có mưa lũ lên hệ thống thông tin điều hành hệ thống của Tổng cục Thủy lợi...