Bà Trần Thị Tài, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Đà Nẵng cho biết, hàng ngày có khoảng 15-18 xe vận chuyển từ 2.700-3.300 con lợn các tỉnh phía Bắc vào phía Nam đi qua thành phố, đồng thời Quảng Nam là tỉnh mới phát sinh dịch ổ dịch tả lợn châu Phi nên nguy cơ lây lan dịch bệnh vào địa bàn Đà Nẵng là rất lớn.
Theo bà Trần Thị Tài, hiện Chi cục đang tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn trên địa bàn thành thành phố; tổ chức triển khai cho các cơ sở giết mổ lợn thường xuyên dọn vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực giết mổ, các khu vực xung quanh cơ sở giết mổ, cống rãnh, khu chăn nuôi nhốt động vật, khu thu gom xử lý chất thải. Chi cục cũng phân công cán bộ thú y thường xuyên giám sát, kiểm tra vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các cơ sở giết mổ.
Bên cạnh đó, Chi cục bổ sung cán bộ thú y tại Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên và Hòa Phước, đảm bảo trực 24/24 giờ, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn lưu thông qua trạm và nhập vào thành phố Đà Nẵng, thực hiện tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển lợn. Đồng thời, Chi cục xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.
Bà Trần Thị Tài cho biết thêm, từ đầu năm 2019 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Đà Nẵng cấp gần 7.500 lít Benkocid cho các địa phương, cơ sở tiêu độc khử trùng phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện Chi cục đang đôn đốc các địa phương tiếp tục nhận hóa chất và giám sát việc vệ sinh tiêu độc khử trùng.
Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các địa phương, ngành có liên quan triển khai phương án ứng phó khẩn cấp ban đầu khi dịch xảy ra đối với dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, xử lý khoanh vùng, tiêu hủy theo đúng quy trình khi phát hiện lợn bị bệnh, nghi bị bệnh theo kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Chia sẻ về công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) Nguyễn Kế Hiệp cho biết, hiện trên địa bàn xã có trên 4.000 con lợn, chủ yếu là các hộ nuôi nhỏ lẻ. Thời gian qua, cán bộ thú y xã Hòa Khương đã hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi tổ chức tiêu độc, khử trùng chuồng trại, nơi kinh doanh giết mổ; đồng thời phổ biến, tuyên truyền, cấp phát tờ rơi để người chăn nuôi và người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi và thực hiện các biện pháp chủ động ngăn chặn dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Kế Hiệp, hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại tỉnh Quảng Nam, do đó, những ngày tới, xã Hòa Khương sẽ phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố Đà Nẵng thành lập chốt kiểm dịch tại cửa ngõ giáp ranh với xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nhằm kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn lưu thông, nhập vào thành phố Đà Nẵng.
Ông Lý Hồng Ý, nhân viên thú y cơ sở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho hay, hiện trên địa bàn xã có 1.200 con lợn; trong đó tập trung tại thôn Giáng Đông với tổng số 900 con, chủ yếu nuôi theo hình thức nhỏ lẻ. Hầu hết hộ nuôi đều tận dụng thức ăn thừa để nuôi lợn nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh tả lợn châu Phi là rất lớn. Thời gian tới, xã Hòa Châu sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi như tổ chức vãi vôi bột, phun thuốc sát trùng cho hộ chăn nuôi để vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng Nguyễn Phú Ban đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung tuyên truyền, thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" (chỉ đạo tại chỗ; huy động nhân lực tại chỗ; huy động vật lực tại chỗ; huy động phương tiện tại chỗ); thường xuyên theo dõi đàn lợn, nếu phát hiện lợn bệnh, lợn ốm và chết không rõ nguyên nhân phải báo cho chính quyền đại phương hoặc cơ quan thú ý nơi gần nhất lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm bệnh để xử lý kịp thời. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.
Ông Nguyễn Phú Ban yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Công an thành phố kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ các cửa ngõ giao thông vào thành phố cũng như các trục giao thông từ thành phố đi các tỉnh. Bên cạnh đó, các lực lượng tăng cường giám sát, yêu cầu tất cả cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, đơn vị kinh doanh thịt lợn chỉ tiếp nhận, phân phối lợn và thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.
Thành phố Đà Nẵng hiện nuôi khoảng 50.000 con lợn, tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang với 48.000 con, mỗi ngày chỉ đáp ứng 20% sản lượng thịt, còn lại 80% phải nhập từ các tỉnh khác về tiêu thụ...