Tại Hà Tĩnh, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh phối hợp với huyện Cẩm Xuyên cùng các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp khẩn trương khoanh vùng, khống chế dịch tả lợn Châu Phi ngay khi dịch xuất hiện tại hộ ông Đặng Văn Đoàn tổ 6 thị trấn Cẩm Xuyên.
Ngay sau khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai cuộc họp khẩn trương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc dập dịch. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Lê Đình Sơn đã vào tận trang trại xuất hiện ổ dịch kiểm tra và chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tổ chức chống dịch.
Ông Lê Đình Sơn yêu cầu các ngành chức năng và huyện Cẩm Xuyên bố trị lực lượng trực chốt 24/24 giờ trong ngày, thực hiện nghiêm tiêu độc khử trùng đối với người và phương tiện khi đi qua khu vực ổ dịch; tăng cường chỉ đạo, kiểm soát xuất nhập động vật, kiểm soát nguồn gốc thức ăn; tổ chức tiêu độc, khử trùng tại các vùng nuôi. Tuyên truyền cho người chăn nuôi chưa tái đàn ở thời điểm này, hướng dẫn người dân sử dụng các sản phẩm thịt lợn an toàn, tránh gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.
Hiện tại, huyện Cẩm Xuyên đã cho thành lập hai chốt kiểm dịch tại tổ 6, đồng thời bố trí người gác tại các giao điểm đường liên thôn thuộc tổ 6 thị trấn Cẩm Xuyên ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển gia súc ra, vào vùng dịch. Huyện Cẩm Xuyên hiện có tổng đàn lợn trên 66.000 con của 5.207 hộ nuôi, huyện đã cấp 552 lít hóa chất về các địa phương, chính quyền thị trấn mua gần ba tấn vôi bột tiến hành tiêu độc khử trùng tại trang trại có dịch, các khu chuồng trại chăn nuôi, đường làng, ngõ phố.
Tại tỉnh Bạc Liêu, để ngăn chặn dịch bệnh không lây nhiễm đàn lợn trên địa bàn, tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên động vật tỉnh, huyện, xã; phân công cán bộ, thành viên Ban chỉ đạo giám sát chặt địa bàn, đặc biệt cán bộ được phân công phụ trách từng địa bàn phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để việc phòng, chống dịch bệnh trên động vật đạt hiệu quả cao.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chỉ đạo, các sở, ban ngành từ tỉnh đến cơ sở cần nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn tỉnh với những việc làm cụ thể như: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình giết mổ tại các điểm giết mổ tập trung; nắm lại tổng đàn lợn nuôi trên địa bàn để từ đó có phương án tiêu độc, khử trùng chuồng trại; đối với lợn nhập tỉnh phải có chứng từ đầy đủ chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nếu cần thiết, sẽ cho thành lập các chốt điểm dịch lợn nhập tỉnh, mà chủ yếu là trên địa bàn huyện Hồng Dân- địa bàn giáp ranh với tỉnh Hậu Giang; xây dựng kế hoạch, kịch bản nếu dịch bệnh xảy ra để chủ động ứng phó trong mọi tình huống…
Theo ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, trung bình hàng ngày Bạc Liêu giết mổ, tiêu thụ khoảng 900 con lợn. Từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở một số tỉnh phía Bắc, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành kế hoạch ứng phó, đặt ra 3 phương án: chưa phát hiện dịch bệnh; dịch bệnh áp sát địa bàn tỉnh; dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang triển khai phương án 2. Riêng huyện Hồng Dân đang tập trung triển khai, áp dụng phương án 3.
Ông Thông cho rằng, điều lo lắng hiện nay phần lớn đàn lợn nuôi trên địa bàn phân tán, nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Quy chuẩn chuồng trại còn thô sơ, điều kiện chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Hơn nữa, hiện tại đang là thời điểm tái đàn lợn tăng nhanh, nuôi đón đầu thị trường Lễ, Tết, cuối năm… Do đó, ngành thú y khuyến cáo người chăn nuôi phải thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.