Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Số người nghiện ma túy tổng hợp ở Việt Nam đang có xu hướng tăng. Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, một trong những giải pháp là can thiệp dự phòng. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn đang chú trọng đến cai nghiện mà bỏ ngỏ công tác dự phòng can thiệp sớm".
Chuyên gia quốc tế giới thiệu công tác can thiệp dự phòng nghiện ma túy tại Mỹ. |
“Hiện chúng ta khá lúng túng đối với người mới sử dụng ma túy. Do đó, nếu triển khai công tác can thiệp dự phòng sẽ hạn chế đối tượng mắc nghiện. Bên cạnh đó, nếu làm tốt công tác dự phòng, trong đó tập trung vào đào tạo kỹ năng phòng tránh ngay từ trong trường học, cộng đồng dân cư sẽ giảm nguy cơ những đối tượng có nguy cơ sẽ mắc nghiện, nhất là thanh thiếu niên. Chính phủ đã đồng ý giao Bộ LĐTBXH xây dựng Luật Dự phòng và Điều trị nghiện ma tuý. Luật này được xây dựng theo hướng chú trọng phân loại người mới sử dụng, người lạm dụng, người nghiện ma túy để có biện pháp tư vấn, quản lý phù hợp (không nhất thiết phải đưa vào các chương trình cai nghiện), đồng thời đa dạng hoá biện pháp, hình thức cai nghiện cho từng người nghiện khác nhau…”, ông Lê Đức Hiền cho biết.
Ông John Hamilton, Giám đốc điều hành Mạng lưới các Chương trình Hồi phục chia sẻ: “Trong vòng 50 năm qua, Mỹ đã thay đổi dự phòng nghiện từ đơn thuần là các chiến thuật đe dọa, giáo dục và thông tin về may túy tới cách tiếp cận dựa theo khoa học bằng giáo dục cảm xúc, đào tạo kỹ năng xử lý tình huống…. Mỹ đã tốn khoảng 600 triệu USD cho chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy tới thanh thiếu niên nhưng các nghiên cứu sau đó cho thấy việc tuyên truyền này không những không có tác dụng mà còn làm tăng sự tò mò, quan tâm về ma túy của thanh thiếu niên”.