Trung tâm Giáo dục, dạy nghề, hướng thiện tỉnh Bắc Ninh chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011. Mặc dù được đầu tư 100 tỷ đồng, nhưng trước những vướng mắc trong công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy, hiện nay trung tâm đang đứng trước nguy cơ... không còn học viên. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục, dạy nghề, hướng thiện tỉnh Bắc Ninh cho biết: Sau khi vào trung tâm, các đối tượng được điều trị cắt cơn, khi sức khỏe ổn định sẽ tham gia lao động sản xuất. Tùy theo từng đối tượng, Trung tâm sẽ giao những công việc khác nhau như: Tăng gia sản xuất, xây dựng, các nghề thủ công như giấy, gỗ…. vừa tạo tinh thần thoải mái vừa góp phần giúp họ rời xa ma túy.
Tuy nhiên, hiện nay công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói chung và tại Trung tâm Giáo dục, dạy nghề, hướng thiện tỉnh Bắc Ninh đang gặp nhiều khó khăn.
Theo Giám đốc Trung tâm giáo dục, dạy nghề, hướng thiện Bắc Ninh: Khó khăn lớn nhất của Trung tâm hiện nay là do những vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách. Hiện nay, tổng số người đang điều trị tại trung tâm là 161 học viên, trong đó số người tiếp nhận mới trong năm 2014 là 69 học viên. Trong số 69 học viên tiếp nhận trong năm 2014, số điều trị tự nguyện là 54 học viên, còn lại là đưa vào từ nguồn cưỡng chế. Số đối tượng đưa vào theo diện cưỡng chế còn thấp là do những vướng mắc về thực hiện quy trình, thủ tục cai nghiện ma túy bắt buộc tại địa phương.
Theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP về Quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, Công an cấp xã lập biên bản và xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sau đó, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ rồi gửi Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cùng cấp.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ bút lục và gửi hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Tiếp đó, trong thời hạn 5 ngày, từ ngày nhận được quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án, Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội áp dụng biện pháp đưa đối tượng nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thực tế, để có đủ điều kiện đưa người nghiện vào Trung tâm theo quy định gặp nhiều khó khăn do những vướng mắc trong việc xác định người nghiện. Ngoài ra, những đối tượng nghiện cần được điều trị tại các xã, phường, thị trấn, nhưng tại Bắc Ninh chưa có tổ chức xã, phường nào nhận điều trị cho đối tượng nghiện. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề tại Trung tâm đang gặp khó khăn do Trung tâm chưa có giáo trình sư phạm, giáo viên chuyên môn, cơ sở vật chất dạy nghề còn thiếu. Cả Trung tâm được trang bị 40 chiếc máy khâu còn lại những máy móc phục vụ chế biến gỗ, giấy, làm hàng mã… đều do Trung tâm mượn hoặc liên kết với các doanh nghiệp, đối tác truyền nghề. Sau khóa đào tạo, học viên sẽ được cấp chứng chỉ. Thế nhưng, lại có những học viên không có nhu cầu học những ngành mà Trung tâm đào tạo.
Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Bắc Ninh, hiện nay số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 1.200 hồ sơ. Tuy nhiên, trên thực tế số người nghiện ma túy cả diện chưa có hồ sơ quản lý có thể lên tới hơn 2.000 người. Tuy nhiên, tỉnh chỉ có duy nhất Trung tâm Giáo dục, dạy nghề, hướng thiện tỉnh Bắc Ninh được cấp phép điều trị cai nghiện ma túy cho các đối tượng trong tỉnh.
Mỗi năm, Trung tâm cũng chỉ thu hút vài chục người vào cai nghiện cả ở diện cưỡng chế và tự nguyện. Với tình trạng này, phải mất nhiều năm mới có thể xử lý, đưa vào Trung tâm cai nghiện tập trung hết số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý hiện nay, chưa kể đến tỷ lệ tái nghiện tại cộng đồng. Bởi vậy, cần sớm có hướng dẫn cụ thể trong việc phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chuyên môn trong việc đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc tại trung tâm bảo đảm theo đúng quy định pháp luật.
Thanh Thương