Chương trình điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone được triển khai thí điểm tại Hà Nội khoảng 2 năm nay cho thấy những kết quả khả quan. Hà Nội sẽ triển khai nhân rộng điều trị bằng phương pháp này trong năm 2015.
Giải pháp cai nghiện thay thế
Sau 2 năm dùng methadone tại Trung tâm y tế quận Đống Đa, giờ đây, những người trong gia đình, cũng như ông Đào Minh Thành (57 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) đều vui mừng vì sức khỏe của ông đã được cải thiện. Ông Thành “dính” vào ma túy đã 10 năm, gia đình bao phen khốn đốn, đứng trên bờ vực ly tán. Từ một người khỏe mạnh, ông Thành trở nên gầy gò, yếu ớt, không thể làm việc, thậm chí khi lên “cơn vật” là tìm mọi cách, kể cả bán đồ của gia đình, để có tiền mua thuốc. Hàng xóm, bạn bè và cả gia đình đều xa lánh. “Nhiều lúc muốn chết đi cho xong, nhưng rồi tôi được giới thiệu đến trung tâm để điều trị bằng methadone cai nghiện. Sau 2 năm, tôi đã tăng được 10 kg, bỏ hoàn toàn hêrôin, kể cả bia, rượu, thuốc lá. Tôi tìm được công việc ổn định, thu nhập 6 - 8 triệu đồng/tháng. Vợ, con và các cháu tôi rất vui mừng. Tôi cảm thấy mình như được sống lại”, ông Thành chia sẻ.
Bệnh nhân dùng methadone cai nghiện ma túy. |
Tại buổi làm việc với Hà Nội về công tác phòng chống ma túy mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Hà Nội cần nâng cao tuyên truyền về tác hại của ma túy trong cộng đồng, kết hợp cai nghiện tự nguyện trong các trung tâm cai nghiện, điều trị bằng methadone. |
Cũng điều trị methadone tại Trung tâm y tế quận Đống Đa được gần 2 năm nay, cuộc sống gia đình chị Trần Minh Thương (43 tuổi) đã ổn định. Hai vợ chồng chị nghiện hêrôin hơn 10 năm, cuộc sống luôn trong cảnh khốn đốn. Hai đứa con thường xuyên bị bỏ bơ vơ vì khi thì bố, khi thì mẹ đi cai nghiện. Bản thân chị luôn ốm yếu, chỉ còn hơn 30 kg. Dù đã rất nhiều lần tự cai và 1 lần bị cai nghiện bắt buộc tại trung tâm, cả 2 vợ chồng chị vẫn quay lại con đường cũ. Một người quen đã giới thiệu vợ chồng chị điều trị bằng methadone. Ngay ngày đầu dùng mathadone, tiền mua hêrôin của hai vợ chồng đã giảm từ 1 triệu đồng xuống còn 400.000 đồng. Sau 20 ngày thì cả hai vợ chồng bỏ hẳn được hêrôin. “Giờ sức khỏe chúng tôi khá tốt, hàng ngày hai vợ chồng thay nhau bán nước, cũng đủ tiền cho con ăn học”, chị Thương chia sẻ.
Đánh giá về hiệu quả của việc sử dụng methadone trong điều trị cho người nghiện, bác sĩ Bùi Nguyên Hồng, trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh HIV quận Đống Đa cho biết: Trung tâm y tế quận Đống Đa đang điều trị cho 318 bệnh nhân, trong đó có 2 người đã cai nghiện hoàn toàn và trở về với cộng đồng. “Quá trình điều trị cho bệnh nhân nghiện bằng methadone đã giúp bệnh nhân giảm hoặc không sử dụng ma túy. Cùng với đó, người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế khác. Điều đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình; góp phần giảm tội phạm liên quan đến ma túy, ổn định trật tự xã hội”, bác sĩ Hồng nhận xét.
Nhân rộng mô hình
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Việc tổ chức cai nghiện được Hà Nội tập trung chỉ đạo với 3 hình thức, gồm cai nghiện cộng đồng, cai nghiện tại trung tâm và điều trị thay thế bằng methadone. Hình thức cai nghiện tại cộng đồng chỉ có hiệu quả đối với người có nghị lực và hiệu quả cũng không cao. Còn hình thức cai nghiện tại trung tâm cắt cơn nhanh, nhưng về cộng đồng thì hầu hết tái nghiện và không quản lý được.
Điều trị thay thế bằng methadone được triển khai tại Hà Nội 2 năm qua cho thấy hiệu quả khả quan. Theo thống kê, trong số 1.700 đối tượng đang điều trị bằng methadone, có khoảng 47% có việc làm và hòa nhập cộng đồng. Những đối tượng này dần thay đổi nhận thức, hành vi. Qua khảo sát, việc sử dụng hêrôin giảm nhanh, sau 1 năm chỉ còn hơn 1% sử dụng. “Nhìn tổng thể so với các phương pháp khác, điều trị bằng methadone với chi phí khoảng 10.000 đồng/người/ngày là phương pháp có tính hiệu quả kinh tế hơn”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá.
Methadone là chất thay thế ma túy, sử dụng bằng đường uống có sự giám sát của nhân viên y tế, nhằm giảm tác hại của ma túy: Lây nhiễm HIV/AIDS, tội phạm, giảm số người chết do sốc ma túy. Methadone là một chất đồng vận toàn phần tác dụng lên bộ phận tiếp nhận ma túy trong não, tác dụng của thuốc khá nhanh sau khi uống và đạt hiệu quả cao nhất trong khoảng từ 2 đến 6 tiếng. Thời gian bán hủy của methadone là 24 giờ. |
Trong những năm tới, Hà Nội vẫn duy trì 3 mô hình cai nghiện và hình thành 2 đề án: “Đề án cai tại cộng đồng và trung tâm” và “Đề án cai nghiện bằng điều trị methadone”. Theo đó, năm 2015, Hà Nội sẽ điều trị bằng methadone cho 8.500 đối tượng. Hà Nội sẽ ký tiếp với 3 đơn vị trung ương trên địa bàn và nhân rộng triển khai tại 24 điểm của các quận, huyện.
“Hà Nội vẫn duy trì các trung tâm cai nghiện tập trung nhưng đồng thời sẽ chuyển một phần khu vực tại trung tâm sang hình thức cai nghiện tự nguyện, trong đó có cho phép điều trị bằng methadone. Gia đình tự nguyện đưa người nghiện vào cai thực hiện cùng đóng góp theo mô hình xã hội hóa”, bà Ngọc cho biết.
Khi nhân rộng mô hình điều trị bằng methadone vào năm 2015, thành phố Hà Nội sẽ cần bổ sung 340 bác sĩ, cán bộ y tế từ các trung tâm y tế cơ sở và sẽ được tập huấn trước khi chuyển sang điều trị cho người nghiện bằng methadone.
“Dù cai nghiện bằng hình thức nào, quan trọng là để những người nghiện có cơ hội hòa nhập với cộng đồng. Kết quả điều trị bằng methadone với khoảng 47% đối tượng có việc làm và tái hòa nhập luôn tại cộng đồng, là thành công bước đầu để triển khai nhân rộng”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH: Giao thêm nhiệm vụ cho trung tâm y tế quận, huyện Hà Nội áp dụng cai nghiện tất cả mô hình, trong đó có 7 trung tâm cai nghiện được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt. Trong đó, đáng chú ý là mô hình cai nghiện cộng đồng và cai nghiện bằng methadone. Cai nghiện tại trung tâm cắt cơn tốt, nhưng khi về cộng đồng tỷ lệ tái nghiện cao. Do đó, xu hướng là giảm trung tâm, tăng cai nghiện thay thế tại cộng đồng và điều trị bằng methadone. Phương pháp điều trị bằng methadone cần được tăng cường thông qua hệ thống trung tâm y tế quận, huyện sẵn có theo hình thức giao thêm nhiệm vụ. Kinh phí của trung tâm cai nghiện tập trung có thể chuyển sang trung tâm y tế tại cộng đồng khi người nghiện chuyển tiếp về tuyến cơ sở điều trị bằng methadone. Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế: Tập huấn khi nhân rộng Trong hơn 1 năm qua, toàn quốc đẩy nhanh tiến độ điều trị bằng methadone. Hiện đã có 122 cơ sở với 21.000 người. Trong khi Hà Nội sau 2 năm triển khai,vẫn chỉ có 6 cơ sở. Vì vậy, Hà Nội cần khẩn trương nhân rộng bên cạnh các hình thức cai nghiện khác. Đối với các cơ sở y tế có đủ điều kiện thì cho mở rộng hình thức điều trị cai nghiện bằng methadone, trong đó chú trọng tập huấn đội ngũ nhân lực khi triển khai điều trị bằng phương pháp này vào năm 2015. Ông Nguyễn Kim Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tP Hà Nội: Cần sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng Muốn được xem xét tham gia chương trình điều trị thay thế bằng methadone, người nghiện phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội; có đơn tự nguyện xin được điều trị. Methadone chỉ có tác dụng với người nghiện các chất dạng thuốc phiện chứ không có tác dụng với người nghiện ma túy đá, thuốc lắc và là một bệnh mãn tính cần được điều trị lâu dài (thường không dưới 1 năm, sau đó giảm dần liều và có thể tiến tới ngừng điều trị). Trên thực tế, một số người dù đã hội đủ các điều kiện để được điều trị cai nghiện bằng methadone, nhưng do yếu tố tâm lý sợ bị mọi người biết mình là người nghiện, nên ngại chưa dám tham gia. Việc điều trị bằng methadone cần sự quyết tâm, kiên trì của người nghiện và sự động viên hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng. Trong thời gian tới, ngoài 6 điểm đang triển khai chương trình ở các quận, huyện: Long Biên, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Sơn Tây, sẽ có thêm các cơ sở điều trị thay thế bằng methadone tại các trung tâm trên địa bàn. |
Xuân Minh - Thu Trang