Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh 'vấp' do giải phóng, đền bù

Từ khi ban hành Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị đến nay, thành phố đã di dời được 502 căn nhà trên và ven kênh rạch, chủ yếu từ dự án đang triển khai của giai đoạn trước.

Nhà dân ven kênh Đôi. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Các quận, huyện còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai việc xác định ranh giới, thu hồi đất, phát triển nguồn nhà phục vụ tái định cư, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhu cầu vốn để di dời nhà trên và ven kênh rạch giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến lên tới 30.890 tỷ đồng, trong khi ngân sách thành phố hạn hẹp, không có quỹ đất công có giá trị lớn để thanh toán cho các chủ đầu tư theo hình thức BT hoặc làm đối ứng thanh toán vốn cho dự án. Đặc biệt, giá trị bồi thường không thể giúp người dân tự tạo lập nhà ở hoặc mua nhà ở thương mại.

Đây là thực trạng được nêu lên tại hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” 9 tháng đầu năm 2017, do Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 5/10.

Báo cáo của Sở Xây dựng Thành phố cũng cho thấy nhiều khó khăn, phức tạp khi thực hiện Chương trình như vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện lâu, không có nhiều nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm. Cùng với đó, phải mất tối thiểu 747 ngày hoàn thành thủ tục đối với trường hợp đấu thầu và mất 572 ngày đối với trường hợp chỉ định thầu. Do đó nếu không thực hiện cơ chế đặc biệt thì TP. Hồ Chí Minh sẽ không thể di dời được 20.000 căn nhà sống trên và ven kênh rạch giai đoạn 2016 – 2020.

Đối với chương trình, cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới thay thế chung cư cũ, mặc dù công tác kiểm định đã cơ bản hoàn thành, nhưng việc xây dựng và ban hành kế hoạch cải tạo, sửa chữa chung cư còn chậm. Một số quận còn lúng túng và chưa có kinh nghiệm trong việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 cũng như mở rộng ranh giới sang các khu đất công đối với chung cư cấp D (nguy hiểm, phải tháo dỡ, di dời) có diện tích nhỏ.

Tại hội nghị, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, từ khi Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị được thông qua (tháng 10/2016), Sở Xây dựng đã thành lập hai tổ công tác, làm việc với các địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Thành phố thí điểm thực hiện di dời nhà trên và ven kênh rạch tại quận 8 (dự án kênh Đôi) với hơn 5.000 nhà, sau đó sẽ triển khai ở các dự án và địa bàn còn lại.

Đối với chương trình cải tạo chung cư cũ, ông Trần Trọng Tuấn thông tin, đến nay cũng chỉ mới có 5/15 quận có kế hoạch chung về cải tạo xây dựng lại chung cu cũ (quận 1, 6, 5, 10, Tân Phú) và chỉ có 4 quận lập tổ công tác thực hiện (quận 1, 3, 4, 5).

Ông Lê Quỳnh Đài, Phó Chủ tịch UBND quận 8 cho biết, tiến độ thực hiện dự án di dời nhà trên và ven kênh Đôi còn chậm, quận vẫn chưa thể ra thông báo thu hồi đất do chưa có chủ đầu tư, UBND thành phố ủy quyền thiếu một số phường của quận. Dự kiến phải đến tháng 6/2018 mới có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Trên địa bàn quận có 2 chung cư cấp D và đã tháo dỡ xong, nhưng do diện tích nhỏ nên quận đã xin chủ trương thành phố cho bán đấu giá. 

Đại diện UBND quận 4 cho hay, quận đã tiến hành đo đạc ranh mốc dự án chỉnh trang kênh Tẻ, tuy nhiên phải đến tháng 6/2018 mới có thể phê duyệt phương án bồi thường. Trong khi đó, theo ông Đào Gia Vượng, Phó Chủ tịch UBND quận 7, quận chọn rạch Song Tân làm dự án chỉnh trang đô thị, nhưng hiện nay công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc do người dân khiếu nại về diện tích và loại đất thu hồi. Đối với việc cải tạo 2 chung cư cũ, quận đã giao cho 2 đơn vị lập nghiên cứu tiền khả thi.

Về giải pháp thực hiện Chương trình, đại diện Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, những tháng còn lại của năm 2017, đối với việc chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch, Sở Xây dựng sẽ cân đối nguồn vốn ngân sách để thực hiện dứt điểm các dự án đang thực hiện dở dang của giai đoạn trước, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý trình UBND thành phố để báo cáo HĐND thành phố thông qua chủ trương thu hồi đất toàn bộ các dự án vào kỳ họp đầu năm 2018; đồng thời hoàn thành việc xác định ranh giới, phạm vi ảnh hưởng, quy mô thực hiện đối với tất cả các tuyến kênh rạch.


Trong năm 2018 Sở Xây dựng phối hợp với địa phương hoàn tất lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm gồm: dự án di dời, giải phóng mặt bằng tuyến bờ Nam kênh Đôi, dự án rạch Xuyên Tâm và dự án rạch Văn Thánh cũng như hoàn thành việc lập và phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch 1/2000 tại các khu vực dọc các tuyến kênh, rạch cần chỉnh trang.

Thực hiện chương trình cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới thay thế chung cư cũ, đến hết năm 2017, UBND các quận sẽ hoàn tất việc kiểm định chất lượng đối với 6 chung cư còn lại trên địa bàn quận 5, Tân Bình và Thủ Đức; hoàn tất và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện cải tạo, xây dựng chung cư mới thay thế; đồng thời tăng cường kiểm tra, có biện pháp gia cường các vị trí có nguy cơ sập đổ cao đối với chung cư cấp D.

Để phù hợp với tình hình thực tế, Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố ban hành quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tạm cư và tái định cư của các dự án cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới thay thế nhà chung cư cũ trên địa bàn, thay thế cho quyết định 73/2008/QĐ-UBND ngày 22/10/2008 của UBND Tp. Hồ Chí Minh.

Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 – 2020 là một trong 7 chương trình đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016 – 2020 thông qua ngày 27/10/2016. Theo đó thành phố sẽ di dời khoảng 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch; tháo dỡ 50% số lượng chung cư hư hỏng (237 chung cư) trong tổng số 474 chung cư xây dựng trước năm 1975 để tiến hành cải tạo hoặc xây mới với nhu cầu vốn khoảng 30.890 tỷ đồng. Trong đó sẽ có 8 dự án với 8.611 căn nhà được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) và 44 dự án với tổng số 10.580 căn được di dời được thực hiện bằng vốn ngân sách thành phố.

Trần Xuân Tình (TTXVN)
'Thành phố thông minh' là giải pháp phát triển đô thị hiện đại
'Thành phố thông minh' là giải pháp phát triển đô thị hiện đại

Các đô thị có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của mỗi quốc gia, song cũng gây ra những hệ lụy về môi trường, giao thông. Mô hình 'thành phố thông minh' đang được áp dụng tại nhiều thành phố lớn chính là giải pháp cho vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN