Thưa Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông có thể đánh giá một số nét về hoạt động hỗ trợ nhân dân trong đợt thiên tai vừa qua?Trong đợt thiên tai vừa qua, trên cơ sở thực tế mức độ thiệt hại của các địa phương, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam không phát động toàn quốc ủng hộ nhân dân bị thiệt hại nhưng với truyền thống, đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức ở Trung ương đã tự nguyện, kịp thời tổ chức quyên góp trong đơn vị mình. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và 21 ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức ở Trung ương đã tổ chức quyên góp ủng hộ và chuyển về quỹ Trung ương hơn 4,7 tỷ đồng.
Tình cảm, trách nhiệm đối với nhân dân vùng thiệt hại đã lan tỏa tới bà con ta đang sinh sống, học tập ở nước ngoài. Nhân chuyến công tác của đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, dù bà con bên đó còn rất nhiều khó khăn nhưng cũng đã quyên góp gửi về quê hương hơn 2 nghìn USD.
Tôi đánh giá cao tinh thần chủ động khắc phục hậu quả thiên tai của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và nhân dân tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu và các tỉnh miền núi phía Bắc trên tinh thần khắc phục tại chỗ, kịp thời, vì sự an toàn, phục vụ đời sống nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo các tỉnh đã hết sức quan tâm chỉ đạo, nhiều đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND… đã đến hiện trường thăm hỏi, trợ giúp thực phẩm…; chỉ đạo các lực lượng công an, bộ đội phối hợp, hướng dẫn việc tìm người mất tích, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Điển hình như tỉnh Sơn La đã khẩn trương xây dựng khu tái định cư để nhân dân có thể đến ở ngay, trong đó có đầy đủ gạo ăn, nước uống… Đây là vấn đề khó nhiều địa phương chưa làm được nhưng Sơn La tuy là một tỉnh còn rất khó khăn về ngân sách đã quyết liệt làm. Trong mưa lũ, với truyền thống thương yêu, đùm bọc nhau, đã xuất hiện nhiều tấm gương quên mình cứu giúp người khác, nhân dân vùng lũ đã chia sẻ thức ăn, nước uống để vượt qua khó khăn trong lúc bị chia cắt, cô lập. MTTQ các tỉnh, thành phố đều có kế hoạch vận động, quyên góp ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại.
Tôi cũng đánh giá cao công tác truyền thông đã kịp thời đưa tin về tình hình thiệt hại, hậu quả nặng nề do lũ quét, lũ ống gây ra; đặc biệt là những hình ảnh xúc động của các chiến sĩ bộ đội, công an tay nắm tay băng mình qua lũ xiết để chuyển lương thực, thực phẩm cho bà con
Đến nay Ban Cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận hơn 4,6 tỷ đồng và 2.230 USD của 21 bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Cứu trợ Trung ương đã phân bổ 1,3 tỷ đồng đợt 1 cho 9 tỉnh gồm Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La mỗi tỉnh 200 triệu đồng; Thái Nguyên, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hòa Bình mỗi tỉnh 100 triệu đồng; phân bổ đợt 2 cho 2 tỉnh Sơn La, Yên Bái mỗi tỉnh 300 triệu đồng. Ngày 18/8, Ban Cứu trợ Trung ương quyết định hỗ trợ đợt 3 cho Sơn La 1 tỷ đồng.
Ông có những lưu ý gì đối với việc phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới?
Trước mắt, đối với các tỉnh bị thiệt hại, cần quan tâm đến việc không để nhân dân bị đói, khát, trẻ em bỏ học. Đợt lũ quét vừa qua để lại hậu quả nặng nề đối với nhân dân một số tỉnh, trong đó có nhiều trường hợp các cháu có thể không được đi học tiếp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh khẩn trương rà soát các trường hợp vì hoàn cảnh gia đình bị thiệt hại trong đợt lũ quét vừa qua mà phải bỏ học, nhất là các cháu đã thi đỗ đại học; Trung ương và địa phương kịp thời phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ các cháu được tiếp tục đến trường.
Bên cạnh đó, các địa phương vận động, thuyết phục bà con đến nơi ở an toàn theo quy hoạch chung của mỗi tỉnh; về lâu dài phải quan tâm đến việc quy hoạch chung đặc biệt là các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lỡ, không an toàn; vấn đề này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ: Giao Thông - Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương.
Việc xây dựng khu tái định cư cần khảo sát kỹ lưỡng, phù hợp với quy hoach chung của tỉnh nhưng cũng phải đảm bảo về đất sản xuất, về nước sinh hoạt và nước phục vụ cho sản xuất nuôi, trồng; điện, đường, trường, trạm và nhất là phù hợp với tập quán sinh hoạt, làm ăn của bà con để tránh trường hợp người dân đến ở một thời gian rồi lại bỏ đi nơi khác di canh, di cư hay về nơi ở cũ; cần có các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân về cách nhận biết thảm hoạ của lũ ống, lũ quét để phòng ngừa hạn chế thiệt hại.
Sau lũ lụt, các địa phương cần hết sức quan tâm đến việc bảo đảm vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh; đảm bảo an ninh trật tự, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động gây mất an ninh trật tự ở địa phương.
Về phía MTTQ Việt Nam các tỉnh cần nắm chắc tình hình, cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để vận động, ủng hộ giúp đỡ kịp thời nhưng quan trọng hơn là tham mưu cho tỉnh có các giải pháp căn cư, lâu dài đảm bảo an sinh cho nhân dân; thường xuyên cập nhật tình hình, có báo cáo cụ thể với lãnh đạo tỉnh và Trung ương để có giải pháp, hỗ trợ thêm nguồn lực chung tay giúp sức chăm lo cho nhân dân. Việc phân bổ tiền, hàng các nơi ủng hộ về cần chú ý đúng người, thiết thực, tập trung vào việc hỗ trợ nhà ở, đời sống sinh hoạt, con em đi học, tránh trường hợp người ít, người nhiều; nhu cầu dân cần thì không có, cái hỗ trợ thì dân chưa cần. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền, MTTQ ở cơ sở, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc phân bổ, giám sát việc thực hiện.
MTTQ các tỉnh cần quan tâm đến việc quản lý, phân bổ, theo dõi nguồn vận động được, dứt khoát không được để xảy ra sai sót làm ảnh hưởng đến uy tín của Mặt trận và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam. Muốn làm được, MTTQ các tỉnh phải tuyệt đối thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước, cụ thể là Bộ Tài chính và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; công khai rộng rãi kết quả vận động, phân bổ để nhân dân được biết, giám sát việc phân bổ, quản lý; thường xuyên kiểm tra, uốn nắn việc quản lý, sử dụng theo đúng các quy định của Nhà nước; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ trực tiếp quản lý, tham mưu thực hiện, xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chung sức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố. Tôi hy vọng với sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, toàn thể nhân dân và nhất là tinh thần vượt khó của nhân dân vùng bị thiệt hại trong thời gian qua sẽ sớm ổn định cuộc sống, tiếp tục lao động, sản xuất và đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt.
Trân trọng cảm ơn ông!