Nhiều vỉa hè lát đá chưa được bao lâu đã xuống cấp. Ảnh: Lê Phú |
Về vấn đề này, chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội cho phép các quận huyện chỉ cải tạo, làm mới vỉa hè các tuyến phố xuống cấp, trên tinh thần làm thận trọng, tiết kiệm và lát đá phải đúng thiết kế, mẫu mã, chủng loại, kích thước.
Vậy nhưng thực tế trên đang bị "bóp méo" ở các địa phương quận huyện, tại buổi triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 của Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra, có hiện tượng con ông cháu cha hưởng lợi từ lát đá vỉa hè ở Hà Nội thời gian qua. Từ đó cho thấy không chỉ đơn thuần là chuyện vỉa hè mà xen vào đó là lợi ích, xin cho của một số cá nhân tập thể. Để làm rõ những vấn đề liên quan đến lát đá vỉa hè, UBND thành phố yêu cầu tất cả các quận huyện dừng toàn bộ việc lát đá vỉa hè; yêu cầu Thanh tra thành phố xem xét quy trình lát đá vỉa hè để trả lời công khai trước công luận.
"Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" Nhằm chỉnh trang bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại hơn, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các dự án hạ tầng trên địa bàn phải thiết kế đồng bộ kỹ thuật hạ ngầm đường dây, cáp điện lực, viễn thông, cấp nước… Trong đó, yêu cầu vật liệu lát vỉa hè, bó vỉa là vật liệu tự nhiên, kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm.
Từ chủ trương này, nhiều địa phương trên địa bàn trong đó nổi bật là các quận: Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình và Hoàng Mai đồng loạt lập dự án, dự toán thực hiện lát đá vỉa hè. Đến đầu giữa năm 2017, các dự án lát đá vỉa hè đã không còn nằm trên giấy mà ồ ạt triển khai. Sẽ không thành chuyện, nếu việc lát đá vỉa hè được thực hiện đúng quy trình, quy định. "Tai mắt" của nhân dân đã phát hiện ra hàng loạt đoạn vỉa hè vừa lát đá xong đã bị bong tróc, đá bị gẫy, vỡ.
Điển hình của việc thi công chưa đảm bảo chất lượng phải kể đến, tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), đá nham nhở sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng. Tại hiện trường xuất hiện nhiều viên đá bị gẫy, vỡ làm 3 làm 4 mảnh như cái bẫy với người đi bộ.
Theo đại diện một số Ban quản lý dự án nguyên nhân dẫn đến đá lát vỉa hè bị gẫy vỡ là do ý thức người dân chưa cao để phương tiện cơ giới đi trên vỉa hè; vỉa hè vừa lát xong chưa qua 24 tiếng đã phải chịu sự tác động của người đi lại...Song, nhiều người dân Thủ đô cho rằng, đá vỉa hè bị gẫy, vỡ là do thi công ẩu, chất lượng đá chưa đảm bảo, nền cốt vỉa hè kém...
Một vấn đề khác, về đơn giá đá để lát đá vỉa hè cũng có sự chênh lệch nhau khá lớn, từ 500.000 đồng đến 2000.000 đồng/mét vuông. Độ dầy, kích thước của đá lát cũng khác nhau. Nơi thì kích thước viên đá 30x30, chỗ lại 40x40. Với những đơn giá trên, đều cao hơn gấp nhiều lần so với giá gạch tự chèn. Còn nhìn rộng hơn, để lát đá vỉa hè của toàn bộ hơn 900 tuyến phố của Hà Nội, số tiền sẽ lên tới cả nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền này đều được trích từ ngân sách của thành phố, của quận.
Không chỉ chuyện nhỏ như vỉa hè Thành phố chỉ đạo các địa phương cải tạo chỉnh trang vỉa hè bằng vật liệu tự nhiên được dư luận Thủ đô đánh giá là hợp lý, vì mỹ quan, vì giá trị sử dụng lâu dài. Cũng theo chỉ đạo của thành phố, các quận huyện chỉ thực hiện chỉnh trang hè phố khi tuyến phố đó đã thực hiện hạ ngầm đồng bộ các loại liên quan như: cáp viễn thông, điện lực, đường ống nước, chiếu sáng và trồng cây xanh. Nhưng trên thực tế, có tuyến phố chưa hoàn thiện các công trình ngầm cũng được lát đá vỉa hè. Hoặc có những tuyến gạch vỉa hè vẫn còn sử dụng tốt cũng được cậy lên để lát đá.
Hẳn, không được đánh đồng cứ lát đá vỉa hè là tư lợi nhưng từ cách làm ồ ạt, thiếu sự khảo sát đánh giá khoa học từng tuyến phố; thiếu sự bàn thảo của nhân dân cũng khiến dư luận đặt dấu hỏi về sự "trong sáng" của lát đá vỉa hè. Chẳng thế mà Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng phải gay gắt đặt câu hỏi: "con ông cháu cha cung cấp vật liệu để hưởng lợi hay không? Tôi biết là có việc đó, cần phải kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm và công khai". Hiện nay, Thanh tra thành phố đang làm việc với Ban quản lý dự án xây dựng một số quận, huyện để sớm đưa ra kết luận cuối cùng về việc lát đá vỉa hè.
Rõ ràng, vỉa hè không còn là chuyện bé bởi đây là bộ mặt đô thị. Du khách nước ngoài đến Thủ đô chỉ cần nhìn vào vỉa hè là biết trình độ quản lý cũng như văn hóa của thành phố đến đâu. Chính vì thế, vỉa hè Hà Nội cần phải sớm có "hồ sơ" quản lý, được làm từ vật liệu gì, thi công thời điểm nào, độ bền ra sao để theo dõi. Thực tế, thời gian qua đây là khâu không được quan tâm sâu sát, bị buông lỏng khiến việc thi công nền móng tại nhiều tuyến vỉa hè ẩu, chất lượng vật liệu lát thấp, tình trạng “ông lát bà đào để hạ ngầm đường ống nước, hạ ngầm cáp điện... vẫn xảy ra. Khi hồ sơ này được công khai, sẽ lòi ra thói làm ăn dối trá hay công tác quản lý yếu kém dẫn tới chất lượng không phải đảm bảo.
Kinh nghiệm từ lát đá vỉa hè ở một số nước trên thế giới cho thấy, đá lát vỉa hè thường có kích thước nhỏ 20x20 hoặc 10x10 sẽ ít bị gẫy vỡ hơn nhiều so với những viên đá lát vỉa hè 40x40 như đang được triển khai tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội. Ưu điểm nữa là loại đá lát nhỏ lại có giá thành rẻ hơn nhiều so với những viên đá to bản.
Còn khi vỉa hè được cải tạo đồng bộ khang trang, không chỉ giúp tạo bộ mặt đô thị mà còn có thể đem lại hiệu quả kinh tế từ vỉa hè sau khi cải tạo sửa chữa. Ở một số nước trên thế giới, sau khi vỉa hè được lát đá hoặc vật liệu tốt đã đem ra đấu giá để làm chỗ bán cà phê hay quầy sách báo.
Từ chuyện lát đá vỉa hè ở Hà Nội cho thấy, từ chủ trương đến hành động là một "khoảng trống" về quản lý. Chỉ đến khi dư luận "nổi sóng" về chất lượng mới được các cơ quan chức năng thành phố "tuýt còi". Khi ấy, sự việc đã làm mất đi ít nhiều niềm tin của nhân dân trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản - đây vốn được xem là vấn đề nhạy cảm dễ xảy tiêu cực, lãng phí nguồn lực ngân sách Nhà nước.