Chiến sĩ biên phòng “kiêm” hướng dẫn viên du lịch

Đã là lính biên phòng, nhiệm vụ thiêng liêng nhất là bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, bảo vệ đường biên cột mốc. Với các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng A Pa Chải, còn một nhiệm vụ không kém phần quan trọng ghi dấu ấn đẹp của cột mốc nơi ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc vào lòng các du khách. Để từ đây, hồn thiêng đất nước theo chân du khách sẽ lan tỏa đi khắp cả nước và thế giới.


Vượt qua gần 300 km từ thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi đến cửa khẩu quốc gia A Pa Chải để bắt đầu chinh phục đỉnh Khoan La San cao 1.866 m, nơi có cột mốc ba mặt nổi tiếng “một con gà gáy, ba nước cùng nghe”. Việc đầu tiên mà chúng tôi phải làm là tới Đồn Biên phòng A Pa Chải để làm thủ tục. Đại úy Hoàng Kim Thành, Chính trị viên phó của đồn rất nhiệt tình chỉ đạo cán bộ của đơn vị làm thủ tục và cung cấp một số thông tin về công việc của đơn vị mình: đồn 317 có nhiệm vụ quản lý 36 km đường biên giới với 18 km giáp Trung Quốc, 18 km giáp Lào. Đây là địa phận của xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) với 6 bản hầu hết là người dân tộc Hà Nhì sinh sống. Ngoài nhiệm vụ chính là tuần tra, bảo vệ chủ quyền biên giới, Ban chỉ huy đơn vị rất chú trọng tới công tác vận động quần chúng. Việc tạo điều kiện giúp đỡ khách du lịch tới tham quan cột mốc số 0 là mốc nằm ở đường giao điểm của 3 quốc gia cũng được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị của đồn. Đó là bởi từ “kênh thông tin” của các khách du lịch, công tác tuyên truyền về chủ quyền biên giới quốc gia sẽ được phát huy hiệu quả, cách thông tin này rất sống động, nên dễ đi sâu vào lòng người.


Tác giả (ngoài cùng bên phải) cùng những chiến sĩ biên phòng bên cột mốc số 0.Ảnh do tác giả cung cấp.


Trong những năm gần đây, đã có hàng ngàn khách du lịch đến với A Pa Chải. Tất cả các đoàn khách nếu có nhu cầu, đều được bố trí ăn, nghỉ tại đồn để thuận tiện cho việc tham quan cột mốc. Chỉ riêng mấy ngày Tết dương lịch 2013, có đến gần 200 du khách lên cột mốc số 0. Do lượng khách quá đông, toàn bộ cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã phải nhường giường ngủ, trải chiếu xuống đất, nhường khẩu phần ăn của mình cho khách. Đại úy Hoàng Kim Thành tâm sự: Năm ngoái, vợ anh đã đưa 2 cháu đến thăm bố ở trên đơn vị. Để gia đình mình hiểu được nhiệm vụ của những người lính biên phòng nơi biên cương Tổ quốc, anh đã đưa cả nhà lên mốc số 0. Hai con anh, một cháu 10 tuổi, cháu bé mới 4 tuổi đã hớn hở cùng bố leo lên đỉnh Khoan La San, trở thành những công dân ít tuổi nhất được chiêm ngưỡng cột mốc 3 mặt.


Các chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải làm nghi lễ chào cột mốc theo điều lệnh.


Từ Đồn Biên phòng A Pa Chải, chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình lên mốc số 0, cột mốc nổi tiếng mang linh hồn đất nước. Từ cửa khẩu A Pa Chải vào khoảng 5 km, du khách bắt đầu xuống xe để leo núi lên đỉnh Khoan La San thuộc dãy Pu Đen Đinh. Sau hơn hai tiếng đồng hồ vừa bò, vừa co kéo nhau vượt qua những con dốc dựng đứng, mồm mũi cùng tranh nhau thở, chúng tôi mới vượt qua ba con dốc mọc đầy cỏ tranh, lau lách và một dốc đá hiểm trở để tới khe suối duy nhất trên đường đi. Binh nhất Lường Văn Pâng (23 tuổi, người dân tộc Thái ở huyện Mường Ảng - Điện Biên) được Ban chỉ huy Đồn A Pa Chải giao nhiệm vụ dẫn đường tủm tỉm cười thông báo: Mới đi được nửa đường thôi nhé. Lính biên phòng hình như leo núi không biết mệt, anh chàng Pâng đã nhận cõng hết tất cả các túi hành lý của mọi người, vẫn còn sức để giúp đỡ những người yếu vượt qua những con dốc đứng. Vừa đi, Pâng còn huýt sáo véo von, rộn rã cả khu rừng. Từ khe suối, cuộc hành trình đã đỡ vất vả hơn dù vẫn là những con dốc đứng, vẫn phải trườn qua những tảng đá như lũ thằn lằn, song được đi dưới tán rừng già, nên mọi người cũng đỡ khát nước, không còn bị nắng trưa thiêu đốt.


Sau hơn 4 giờ đánh vật, cuối cùng chúng tôi đã đến mốc số 0. Đây là mốc đại, làm bằng đá hoa cương, cao 2 m, hình khối tam giác với ba mặt quay về hướng ba quốc gia. Trên mỗi mặt có hình Quốc huy của quốc gia đó, tên quốc gia bằng chữ viết riêng và năm đặt cột mốc (2005). Mặt nền đặt cột mốc lát đá rất sạch sẽ và rộng rãi, đủ chỗ cho hàng chục người tới tham quan. Tại đây, đã có 2 đoàn khách đến từ trước: Một đoàn từ Hà Nội, một đoàn là khách du lịch Trung Quốc, đi theo tuyến đường riêng của nước bạn. Gặp nhau nơi điểm linh thiêng, con người dễ gần gũi hơn, mọi người đều vồn vã hỏi thăm nhau như quen biết đã lâu. Ngay cả những du khách Trung Quốc cũng tranh thủ dùng... tay, dùng nụ cười để nói chuyện với các du khách Việt Nam. Thấy chúng tôi đưa ra lá Quốc kỳ Việt Nam, tất cả mọi người đều ồ lên phấn khởi, tranh nhau chụp ảnh. Sau phút vui vẻ, tất cả mọi người đều đứng trang nghiêm khi 2 chiến sĩ biên phòng dẫn đoàn làm nghi lễ chào cột mốc theo điều lệnh quân đội.


Du khách Việt Nam và Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm chung bên mốc số 0.


Cụ Phạm Tiến, hơn 60 tuổi ở Cửa Bắc, Hà Nội, tâm sự: “Cảm giác của tôi khi đến đây là rất mãn nguyện và tự hào. Tôi đã đến nhiều điểm cực của Tổ quốc như Lũng Cú (Hà Giang) hay Móng Cái (Quảng Ninh), nay lại được đặt chân tới miền cực Tây của Tổ quốc, vậy là đã mãn nguyện. Đi rồi mới biết đất nước mình vẫn còn dài rộng lắm, chủ quyền biên cương vẫn được giữ gìn vững chắc, chuyến đi này thật bổ ích với đoàn chúng tôi”. Binh nhất Lường Văn Pâng thì kể chuyện: Em ở Đội công tác cơ sở, nên ít có dịp đưa khách đi tham quan. Nhưng ở đồn em trước có anh Ngô Văn Nghi hay dẫn khách đến đây. Nghe anh ấy kể có cụ già 72 tuổi vẫn nằng nặc đòi leo lên bằng được. Lúc quay về cụ yếu quá, không đi nổi, các anh ấy phải cõng về. Có hôm đi ngang đường gặp mưa lớn, cán bộ, chiến sĩ của đồn phải chặt cây, lấy lá chuối rừng làm lán để khách trú mưa. Đoàn đi từ lúc 7 giờ sáng mà tới 11- 12 giờ đêm mới về được tới đồn, Ban chỉ huy lại phải cử anh em lên đón. Nhưng chẳng có ai kêu ca gì, bọn em vẫn coi đây là nhiệm vụ của mình thôi.


Hoàn thành tâm nguyện được 1 lần đến “Ngã ba biên giới”, chúng tôi trở về, bên tai vẫn như văng vẳng lời bài hát “Mùa xuân cho em” của nhạc sĩ Văn Dung: “Anh lại gặp đây ngã ba A Pa Chải...”. Gặp chiến sĩ Hoàng Văn Thuận đang dìu bác Đặng Việt Điệp từ Hà Nội lên, lần từng bước tụt xuống khe đá trên lối về. Hỏi ra mới biết chân bác gẫy mới lành được vài tháng, mắt lại bị cận thị nặng, nhưng cũng cố sức để đến với cột mốc nơi miền cực Tây của Tổ quốc. Vậy mới biết ý chí và nghĩa vụ của những công dân Việt Nam đối với chủ quyền quốc gia thiêng liêng đến mức nào. Mốc 3 mặt A Pa Chải, giờ đã là điểm đến cho hàng ngàn khách du lịch đến từ mọi miền của Tổ quốc. Linh hồn và nguyên khí của đất nước đã được tạo dựng từ những con người ấy, với sự giúp đỡ không quản khó khăn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải.


Bài và ảnh:Chu Quốc Hùng

Xem chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 271 tập luyện
Xem chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 271 tập luyện

Trung đoàn bộ binh 271 (Sư đoàn 5, Quân khu 7) có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai. Trung đoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện đạt yêu cầu 100%, trong đó 85% khá giỏi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN