Nhiệt độ tại Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất phổ biến 32-35 độ C, riêng miền Đông Nam Bộ từ 34-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Độ ẩm luôn duy trì dưới 60%. Về đêm, Nam Bộ có mưa rào vài nơi. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C.
Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ duy trì ngày nắng, có nơi nắng nóng, do vậy, cơ quan khí tượng tiếp tục đưa ra cảnh báo chỉ số tia cực tím (UV) cực đại tiềm năng từ ngày 16-17/3 ở khu vực này. Chỉ số này có xu hướng giảm nhẹ ở các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ từ mức 6-7 xuống mức 4-5, tương ứng với nguy cơ gây hại trung bình. Khu vực từ Đà Nẵng đến Cà Mau có chỉ số tia cực tím trong ngày đạt ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao, có thời điểm đặc biệt cao.
Cụ thể, ngày 16/3, giá trị tia cực tím tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Thành Phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và thành phố Cà Mau (Cà Mau) ở mức rất cao vào khoảng từ 10-14 giờ. Đáng chú ý, giá trị này tại cả 4 thành phố trên đặc biệt cao (màu tím) là 10,4 lúc 12 giờ, theo thang bảng về tia cực tím, màu tím là mức cao nhất, có nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ.
Tại thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế), thành phố Đà Nẵng, thành phố Hội An (Quảng Nam), chỉ số tia UV cực đại phổ biến ở mức nguy cơ gây hại cao từ 11-14 giờ; ở mức nguy cơ gây hại cao, tia cực tím có thể xuyên qua mây và các loại cửa kính, gây bỏng cho da trong thời gian 30 phút, nếu tiếp xúc trực tiếp mà không được bảo vệ.
Dự báo, ngày 17/3, chỉ số tia UV tại Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực miền Đông Nam Bộ đều ở mức 10,6-11, đạt mức cực đại vào khoảng thời gian từ 10 giờ đến 14 giờ, đều ở ngưỡng nguy cơ gây hại từ cao đến rất cao. Chỉ số tia UV tăng cao tại Nam Bộ bắt đầu từ 2 tuần trước đó và kéo dài đến nay.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, khi chỉ số tia UV mức 8-10, nếu người dân ở ngoài nắng khoảng 25 phút có thể bị bỏng da. Khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên, da người có thể bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo đây là kiểu thời tiết bất lợi cho người nuôi trồng thủy sản. Nóng khô liên tục khiến nước ao tăng nhiệt cùng với quá trình bốc hơi nhiều sẽ làm độ mặn tăng cao, tôm dễ bị mắc bệnh dẫn đến chậm lớn hoặc bị chết dần. Người dân cần chú ý theo dõi, điều trị kịp thời, kiểm tra độ mặn thường xuyên của nước để chủ động các biện pháp chăm sóc tôm phù hợp.