Dự báo từ ngày 21 - 24/8, chỉ số tia cực tím cực đại khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên ít có sự thay đổi và duy trì ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao (từ 8 - 10). Ngoài ra, tại một số địa phương khu vực phía Bắc như Lào Cai, Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, chỉ số tia cực tím cũng ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao, đạt mức xấp xỉ 10. Đặc biệt, tại Nha Trang, chỉ số tia cực tím đạt ngưỡng 11.
Cụ thể, từ ngày 21 - 24/8, chỉ số tia cực tím tại các thành phố như sau: Tại Sa Pa (Lào Cai) lần lượt là 9, 9, 9; tại Hà Nội là 8, 6, 9; Hạ Long (Quảng Ninh) là 8, 5, 9; Huế (Thừa Thiên - Huế) là 9, 9, 8; Đà Nẵng là 8, 9, 7; Hội An (Quảng Nam) là 8, 8, 7; Thành phố Hồ Chí Minh là 9, 10, 8; Cần Thơ là 8, 10, 10; thành phố Cà Mau (Cà Mau) là 10, 10, 10; Nha Trang (Khánh Hòa) đạt ngưỡng tới 10, 11, 10.
Thang bảng đo chỉ số tia cực tím quy định, từ 2.5 - 5.4 là mức trung bình, từ 5.5 - 7.4 là cao, từ 7.5 - 10.4 là rất cao. Ở mức rất cao, tia cực tím có thể gây bỏng da nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời liên tục trong 25 phút. Chỉ số từ 10.5 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, gây nguy cơ làm tổn thương da, bỏng mắt nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Nguy cơ xảy ra cháy rừng cũng ở mức cao. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Để phòng tránh các tác hại của tia cực tím và đề phòng sốc nhiệt, người dân khi làm việc ngoài trời cần trang bị đồ dùng chống nắng như: quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính…; luôn đảm bảo đủ nước uống cho cơ thể.