Lời cảnh báo của các nhà khoa học đã được đưa ra từ rất lâu: Nguy cơ cháy rừng ở Bắc Trung Bộ năm 2020 sẽ tăng từ 6-40% so với năm 2000. Nhưng điều này hiện tại chưa giúp cho việc ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại.
Yếu tố con người - xã hội là then chốt
Từ ngày 26/6 đến 1/7/2019, các vụ cháy rừng lớn đã liên tiếp xảy ra ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Riêng tại tỉnh Hà Tĩnh có hàng trăm điểm cháy ở 7 huyện.
Năm nay, vào ngày 26/6 lại xảy ra vụ cháy rừng lớn ở xã Sơn Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Tiếp đó, tối 29/6, đám cháy rừng khởi phát từ địa phận xã Ân Phú (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) rồi lan sang địa phận xã Sơn Long và xã Sơn Trà nằm trên dãy núi Mồng Gà của huyện Hương Sơn. Đến rạng sáng 1/7, các đám cháy rừng ở Hà Tĩnh mới cơ bản được dập tắt.
Nguyên nhân khách quan được cho là do thời tiết - nắng nóng liên tục với nhiệt độ có nơi lên tới 43 độ C ở khu vực ven biển miền Trung trong suốt 12 ngày cuối tháng 6. Nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm dưới 30% khiến cho các cánh rừng dễ dàng bắt lửa và một khi đã xảy ra cháy thì rất khó dập tắt.
Bên cạnh thời tiết thì các yếu tố tự nhiên khác cũng khiến cho Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung khó chống chọi với “giặc lửa”. Chất lượng rừng nằm trong các yếu tố này. Chất lượng rừng ở Việt Nam, đặc biệt là tại miền Trung, có xu hướng đi xuống trong khi diện tích rừng tăng lên vào những năm gần đây. Chất lượng rừng kém được thể hiện ở các con số: Rừng thứ sinh nghèo kiệt chiếm xấp xỉ 70% trong khi rừng nguyên sinh chỉ vỏn vẹn gần 7%. Rừng thứ sinh được coi là dễ “nhạy cảm” với lửa hơn rừng nguyên sinh vì nó tạo ra loại thực bì đặc biệt dễ bén lửa trong vùng tiểu khí hậu khô, nóng của miền Trung.
Rừng thông, rừng tràm, rừng tre nứa, rừng bạch đàn, rừng khộp, rừng non khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và rừng đặc sản... thuộc loại dễ cháy. Loại rừng này lên đến gần 6 triệu ha, phổ biến ở miền Trung.
Yếu tố con người và hoạt động sản xuất, phòng - chống cháy đóng vai trò hết sức quan trọng, có thể nói là then chốt, trong cuộc chiến với “giặc lửa”.
Đồng bào ở miền núi có thói quen đốt rừng làm nương rẫy, ở miền xuôi thì bà con thường đốt rơm rạ, đốt quang thực bì để thu nhặt kim loại, đốt rác trong vườn cạnh khu rừng trồng, hun khói để lấy mật ong...
Vụ cháy rừng nghiêm trọng vào cuối tháng 6/2019 ở Hà Tĩnh là do sự bất cẩn của con người. Công an huyện Nghi Xuân ngày 1/7/2019 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Phan Đình Thành (sinh năm 1973, trú tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) về tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Điều 313 - Bộ luật Hình sự. Ông này là thủ phạm gây ra vụ cháy rừng kéo dài từ ngày 28 đến 30/6 tại núi Hồng Lĩnh thuộc địa bàn thị trấn Xuân An và xã Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân). Ông Thành khai nhận, trưa 28/6, ông đốt rác ở góc vườn, gió to làm tàn lửa bay xa, gây cháy rừng.
Về nguyên nhân các vụ cháy rừng năm nay ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Sơn Trà, nhận định là do người dân thắp hương ở nghĩa trang rồi lửa bén lan lên rừng.
Còn tại Nghệ An, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Vụ cháy rừng ở xã Sơn Thành (huyện Yên Thành) xảy ra ngày 26/6/2020 là do có người đốt với mục đích phá hoại. Hiện cơ quan điều tra đang xác minh, làm rõ vụ việc.
Ở địa phương này từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 9 vụ cháy rừng, trong đó 4 vụ được xác định do con người cố ý đốt rừng, hủy hoại tài nguyên rừng.
Bên cạnh đó, việc phòng, chống cháy rừng bị chi phối mạnh mẽ từ việc điều hành, quản lý của các cấp liên quan.
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đã có hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành được củng cố và hoàn thiện tới cấp xã. Song trên thực tế, việc kiểm soát cháy rừng và hiệu quả chữa cháy rừng chưa cao là do thiếu hệ thống quản lý chặt chẽ từ Trung ương xuống cơ sở về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy rừng; việc chỉ đạo, điều hành chậm do không nắm bắt được thông tin kịp thời, chính xác, thiếu phương tiện, trang thiết bị chỉ đạo, chỉ huy; thiếu lực lượng chữa cháy rừng chuyên trách…
Kinh phí đầu tư cho việc phòng, chống cháy rừng rất hạn chế; phương tiện, trang thiết bị vừa thô sơ, lạc hậu, vừa thiếu, chỉ có một số máy bơm công suất nhỏ và chủ yếu là dụng cụ chữa cháy thủ công như cuốc, xẻng, dao phát… Chế độ đãi ngộ với lực lượng tham gia chữa cháy chưa cụ thể, rõ ràng nên chưa động viên, khuyến khích mọi lực lượng tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy rừng một cách chủ động và tích cực.
Nghệ An có gần 30.000 ha rừng thông, rừng hỗn hợp. Trước khi bước vào mùa nắng nóng, việc phát dọn thực bì để hạn chế nguy cơ xảy ra cháy mới chỉ được tiến hành tại 1/3 diện tích do chủ rừng thiếu kinh phí. Đó là nguyên do rất dễ bùng phát các đám cháy rừng và lửa lan rộng trong điều kiện nắng nóng gay gắt.
Bài học ở Lai Châu, Sơn La
Theo Ban Chỉ đạo chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong mấy thập kỷ qua, trung bình mỗi năm Việt Nam mất đi hàng chục nghìn héc ta rừng, riêng mất rừng do hỏa hoạn là khoảng 16.000 ha/năm.
Thiệt hại vật chất được ước tính là nhiều trăm tỷ đồng/năm. Đó là chưa kể đến những ảnh hưởng xấu về môi trường sống cùng những thiệt hại chưa được định lượng do tăng lũ lụt ở vùng hạ lưu, làm giảm tính đa dạng sinh học, phá vỡ cảnh quan; tác động xấu đến an ninh - quốc phòng...
Theo phóng viên TTXVN tại Lai Châu, địa phương này đang làm tốt nhiệm vụ chủ động ngăn chặn và kiểm soát “giặc lửa”.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu cho biết tỉnh đang sở hữu 461.653 ha rừng, trong đó có 429.221 ha rừng tự nhiên, 19.396 ha rừng trồng… Diện tích đất có rừng tập trung chủ yếu ở những địa hình hiểm trở, bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, xa khu dân cư, nguồn vật liệu cháy tích tụ trong rừng rất dễ bắt lửa và khi cháy lan rất nhanh.
UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cơ quan kiểm lâm, công an, quân đội và các lực lượng liên quan lập kế hoạch chi tiết trong việc quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chuẩn bị lực lượng, vật tư trang thiết bị, hậu cần thường trực sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách nếu có cháy rừng xảy ra.
Đối với các huyện có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, cấp ủy và chính quyền tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, có quy định cụ thể về khu vực cấm đốt nương làm rẫy và hành vi dùng lửa trái quy định; hướng dẫn, kiểm tra, quản lý chặt chẽ và tổ chức cho nhân dân ký cam kết thực hiện quy định bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Mường Tè là huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lai Châu. Từ đầu mùa khô huyện đã chú trọng thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và thành lập 126 tổ chuyên trách bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng ở các bản. UBND huyện đã phân vùng trọng điểm và bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhờ đó, toàn bộ hơn 167.572 ha rừng của huyện Mường Tè luôn được bảo vệ tốt, vài năm gần đây không có vụ cháy rừng lớn nào xảy ra; tỷ lệ che phủ rừng đạt 64,79%.
Xã Bum Nưa nằm gần trung tâm huyện Mường Tè nhưng không vì thế mà công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng bị buông lỏng. Bà Vàng Thị Thánh, Chủ tịch UBND xã Bum Nưa, cho biết: Trong những năm qua, xã Bum Nưa đã đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, thường xuyên tuyên truyền đến các bản về việc chống giặc lửa. Từ đó, trên địa bàn xã không có vụ cháy rừng nào xảy ra, hơn 4.000 ha rừng được bảo vệ nghiêm ngặt.
Mặt khác, tỉnh Lai Châu kéo giảm rõ rệt các vụ cháy rừng nhờ dịch vụ môi trường rừng.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu đã đi vào hoạt động được 10 năm (từ năm 2010), đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn.
Các bản tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đã thành lập các tổ chuyên trách, ban hành quy chế hoạt động, phân phối thu nhập từ nguồn dịch vụ môi trường rừng. Tổ chuyên trách thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, đặc biệt trong mùa khô với các dụng cụ như dao phát, quần áo bảo hộ… Các dụng cụ phòng, chống cháy rừng được mua bằng tiền trích từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng. Có nơi bà con còn làm đường tuần tra tại điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, phát đường băng trắng cản lửa phòng cháy, lập chốt gác bảo vệ rừng.
Kết quả, số vụ phá rừng, đốt rừng, diện tích cháy và số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng giảm đáng kể, không có tụ điểm lớn về phá rừng, kinh doanh lâm sản trái phép. Tình trạng di cư tự do giảm, diện tích rừng đã được nâng lên (độ che phủ rừng của tỉnh từ 41,6% năm 2011 lên 48,16% năm 2017) góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, đa dạng sinh học nâng lên, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Sơn La áp dụng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sớm hơn, bắt đầu từ năm 2009. Địa phương này có 537.000 ha trong tổng số 637.018 ha rừng được bảo vệ và phát triển từ nguồn dịch vụ môi trường rừng; chất lượng rừng, môi trường sinh thái từng bước được cải thiện.
Theo phóng viên TTXVN tại Sơn La, số vụ cháy rừng, vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản giảm sâu về cả 3 tiêu chí (số lượng vụ việc, diện tích và số lâm sản bị thiệt hại) - năm 2018 giảm trên 960 vụ so với năm 2009.
Rút kinh nghiệm từ việc để xảy ra các vụ cháy rừng trong mùa khô năm 2019, năm nay tỉnh Sơn La nỗ lực bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La Lò Thế Thi cho biết: Mùa khô năm 2020, phương châm được lực lượng kiểm lâm đặt ra là: “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời, bảo vệ an toàn rừng”.