Video Cận cảnh trung tâm thương mại hoang tàn trong tòa nhà Mipec Tower:
Mipec Tower vốn là tòa nhà tổ hợp căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê và khu gian hàng thương mại hiện đại, quy mô nhất quận Đống Đa. Trước đây, khu trung tâm thương mại Lotte Mart của Mipec Tower luôn sáng đèn 24/24 giờ, nhưng hiện nay, cả 5 tầng trung tâm thương mại Lotte Mart đều đóng cửa, tối om, bụi phủ mờ các mặt sàn. Cả tòa nhà chỉ còn 1 gian hàng cho thuê kinh doanh dịch vụ bi-a hoạt động, còn người ra vào chỉ là vài tốp công nhân thi công, sửa chữa.
Các nhân viên bảo vệ tòa nhà Mipec Tower cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phần lớn các gian hàng trong trung tâm thương mại đã trả lại mặt bằng; hàng loạt cơ sở kinh doanh từng thu hút đông khách hàng dừng hoạt động, di dời địa điểm, bỏ lại đồ đạc, nội thất. Rạp chiếu phim là khu vực duy nhất hoạt động lay lắt cũng đã đóng cửa do hiu hắt khách.
Thêm vào đó, trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, phân khúc bất động sản cho thuê chịu chung cảnh ảm đạm, nên trung tâm thương mại này gần như đóng cửa hoàn toàn để chủ đầu tư sửa chữa, nâng cấp chờ hồi sinh.
Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động (tháng 3/2014), trung tâm thương mại Lotte Mart Đống Đa đã từng bước dừng hoạt động từ tháng 7/2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường bất động sản trầm lắng, trong đó phân khúc văn phòng, trung tâm thương mại cho thuê cũng chịu tác động tiêu cực, không có khách. Do vậy, đến nay, trung tâm thương mại này đã đóng cửa hoàn toàn.
Qua tìm hiểu của phóng viên, mô hình kinh doanh “đắt đỏ” trong các khu trung tâm thương mại hiện đại tại Hà Nội đang dần lụi tàn do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân đã thay đổi trong vài năm trở lại đây.
Trước đây, khi nói đến các trung tâm mua sắm, nhiều người thường nghĩ ngay là các trung tâm thương mại rộng lớn, sầm uất, nhộn nhịp, đủ các mặt hàng và đáp ứng mọi yêu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, hẹn hò, giao lưu, nhất là đối với các bạn trẻ. Tuy nhiên, khi các nền tảng mua sắm trực tuyến phát triển mạnh, các doanh nghiệp ngành hàng bán lẻ thuê mặt bằng trung tâm thương mại để kinh doanh đã trở nên “đuối sức” vì giá thuê mặt bằng cao, nhưng vắng khách.
Bên cạnh đó, mô hình rạp chiếu phim, nhà hàng ăn uống tại các trung tâm thương mại, nơi thu hút mọi lứa tuổi đến xem phim trước đây, tụ tập, hẹn hò… hiện nay cũng không còn là lựa chọn, ưu tiên hàng đầu của nhiều người dân, khi các nền tảng xem phim công nghệ số và nhu cầu gia tăng hoạt động ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên đang trở thành xu hướng thay thế. Nhiều bạn trẻ chia sẻ, những ngày nghỉ cuối tuần hiện nay đã không chọn các trung tâm thương mại để đến chơi vì các trung tâm thương mại không còn hấp dẫn, đầy đủ như trước đây, chưa kể bí bách, thiếu chỗ để xe. Trong khi đó, việc mua hàng trực tuyến ngày càng dễ dàng, tiện lợi và những khu vui chơi ngoại ô, ngoài trời, hòa mình vào thiên nhiên còn nhiều nơi chờ khám phá…
Có thể thấy nguyên nhân rõ nhất khiến các trung tâm thương mại hiện nay khó phát triển là do thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi trong bối cảnh kinh tế khó khăn và trước yêu cầu thặt chặt chi tiêu, ít mua đồ xa xỉ, dễ lỗi thời... Thực tế này dẫn đến lượng khách ghé thăm các trung tâm thương mại mai một dần. Chi nhánh các ngân hàng thương mại cũng đang dần chuyển dịch ra khỏi các trung tâm thương mại, trả lại mặt bằng vì ít giao dịch.