Cảnh giác những chiêu trò lừa đảo việc làm dành cho sinh viên

Lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm và mong muốn kiếm thêm thu nhập của nhiều bạn trẻ, các đối tượng lừa đảo không ngừng tạo ra những chiêu trò lừa đảo kiếm việc làm để chiếm đoạt tài sản, khiến nhiều sinh viên phải rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

Chú thích ảnh
Sinh viên khi tìm việc trên mạng cần tìm những trang giới thiệu việc làm có uy tín để tránh sập bẫy lừa đảo. 

Tiền mất tật mang

Việc làm tại nhà, không cần kinh nghiệm, không cần bằng cấp, linh hoạt thời gian, kiếm tiền chỉ trong thời gian ngắn... là những lời quảng cáo hấp dẫn được các đối tượng lừa đảo giới thiệu đến các sinh viên đang có nhu cầu tìm việc làm thêm. Một số sinh viên vì tin lời quảng cáo đã sập bẫy, khiến mình rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Là một nạn nhân của chiêu trò khi tìm việc làm thêm, bạn N.T.A.N, sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật cho biết, với mong muốn kiếm thêm thu nhập cho kỳ nghỉ hè, N. đã chủ động tìm kiếm các hội nhóm việc làm dành cho sinh viên trên Facebook. Sau khi tham khảo nhiều bài đăng, N. đã quyết định đăng ký làm bán thời gian tại một cửa hàng tiện lợi. Tại buổi phỏng vấn, N. được yêu cầu cung cấp căn cước công dân và phải cọc 500.000 đồng tiền mua đồng phục. Không nghi ngờ, N. đóng tiền ngay. Đến hôm sau, khi liên lạc lại để chuẩn bị đi làm, N. đã bị họ chặn hết mọi liên lạc, lúc đó N. mới biết mình đã bị lừa.

Cũng với chiêu trò việc làm tại nhà lương cao trên các trang mạng xã hội, sinh viên còn bắt gặp rất nhiều bài đăng tìm cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, với những lời quảng cáo quyền lợi hấp dẫn. Theo đó, những đối tượng này gửi đường liên kết các trang website cho sinh viên để duyệt đơn hàng. Chúng yêu cầu nạn nhân đặt cọc 100% giá trị đơn hàng và hứa hẹn mức hoa hồng hấp dẫn từ 10-30%. Để tạo lòng tin, chúng cho phép các nạn nhân rút hoa hồng của những công việc đầu tiên.

Thế nhưng, đây chỉ là là chiêu trò giả mạo quản lý sàn thương mại để trục lợi. Thực tế, các trang web bọn chúng gửi đến không phải trang chính thống của các sàn thường mại điện tử uy tín. Bởi sau khi nạn nhân gửi tiền và rút tiền thành công, các đối tượng lừa đảo tiếp  tục đưa ra các yêu cầu đặt cọc số lượng lớn đơn hàng với giá trị ngày càng tăng, khiến nhiều sinh viên thấy tiền hoa hồng càng cao, càng gửi tiền đặt cọc thì số tiền bị lừa mất càng lớn.

Chú thích ảnh
Bạn N.H.D bị lừa đảo việc làm tại nhà khi đặt lệnh mua hàng trên mạng. Tuy nhiên, đây là những trang mạng giả mạo các sàn thương mại uy tín để lừa đảo chiếm đoạt tài sản Ảnh: NVCC

Từng mắc sai lầm và bị lừa đảo hơn 12 triệu đồng khi làm công việc đặt hàng, N.H.D - sinh viên năm nhất trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cảm thấy vô cùng hối hận: “Ban đầu, mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ, mình rút được tiền về nên tin tưởng hơn và bắt đầu bị cuốn theo những nhiệm vụ được giao. Khi đã nạp vào một số tiền lớn, mình cảm thấy lo lắng nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ vì sợ mất trắng. Hơn nữa, nếu hoàn thành thì tiền hoa hồng nhận lại cũng không phải ít. Thiếu tiền, mình đã mượn thêm bạn bè. Tuy nhiên, mình vẫn không thể nhận lại tiền như lời họ đã hứa, những yêu cầu vô lý và hứa hẹn không có thật của họ đã khiến mình nhận ra rằng đã bị lừa. Tuy nhiên, mình đã bị mất 12 triệu đồng vì đã tin theo ”.

Tìm đến nơi uy tín

Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh, sở dĩ các sinh viên khi kiếm việc dễ trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo, trước tiên là do tâm lý tin người và mong muốn kiếm thêm thu nhập. Vì vậy, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của sinh viên để tạo dựng lòng tin, đưa ra những yêu cầu không hợp lý như: Đóng phí trước, làm việc tại nhà mà không cần gặp mặt trực tiếp. Do đang cần kiếm việc nên khi gặp phải những lời hứa hẹn trên, không ít sinh viên dễ dàng bị sập bẫy.

Hơn nữa, do thiếu kinh nghiệm và kiến thức về thị trường lao động, các bạn trẻ thường bị hấp dẫn bởi những lời hứa hẹn về mức lương cao, công việc nhẹ nhàng. Mặt khác, do không nắm vững các quy định pháp luật liên quan đến lao động, hợp đồng và quyền lợi của người lao động, sinh viên thường không biết cách kiểm tra và xác minh tính hợp pháp của công việc, dẫn đến dễ dàng bị lừa đảo.

Chú thích ảnh
Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên thường xuyên tổ chức các sàn việc làm trực tiếp, trực tuyến để người lao động, sinh viên tham gia. 

Ông Lê Nguyễn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh cho biết, các trang mạng xã hội và các hội nhóm trực tuyến còn đăng rất nhiều bài đăng về việc làm thêm cho sinh viên, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ cao đó là việc làm ảo. Bởi nhiều thông tin tuyển dụng không có địa chỉ cụ thể của trung tâm hoặc văn phòng môi giới, giới thiệu việc làm. Nội dung tuyển dụng khá dễ dàng, không cần kinh nghiệm, không cần thử việc đã đánh trúng tâm lý của các bạn trẻ đang nôn nóng tìm việc…. Để tránh sập bẫy việc làm ảo, sinh viên cần trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết về việc làm thêm và cách phòng tránh lừa đảo, tìm hiểu kỹ các thông tin quảng cáo, rao vặt trên các trang mạng xã hội, không nên vội vàng trước những lời mời hấp dẫn mà cần tìm hiểu kỹ thông tin về công việc và đơn vị tuyển dụng qua các kênh thông tin uy tín.

"Đối với các đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thật, họ sẽ không yêu cầu ứng viên đặt cọc tiền, giấy tờ tùy thân bản gốc vì bất kỳ lý do gì. Do đó, nếu trong quá trình đi tìm việc gặp phải những tình huống tương tự, các bạn nên tìm cách thoát ra ngoài và tìm đến các cơ quan chức năng trình báo. Các bạn sinh viên khi tìm việc làm thêm có thể tìm đến các đơn vị hỗ trợ giới thiệu việc làm uy tín như Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh (33 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) và Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên (4A Phạm Ngọc Thạch, Quận 1). Ngoài ra, các bảng tin Đoàn – Hội tại trường hoặc thông báo tuyển dụng trên các kênh thông tin chính thống của các đơn vị tuyển dụng cũng là nguồn tham khảo đáng tin cậy...", ông Lê Nguyễn Nam cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Sinh viên nên tìm việc làm tại các đơn vị giới thiệu việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp trong các ngày hội tư vấn việc làm định kỳ. 

Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã phát đi thông báo cảnh báo nạn lừa đảo việc nhẹ, lương cao để “buôn người” và chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý nhiều người muốn có việc làm, kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống nên gọi điện thoại, quảng cáo trên mạng xã hội… để mời chào những công việc đơn giản với mức lương hấp dẫn. Nếu không tỉnh táo, người dân có thể rơi vào cạm bẫy của kẻ xấu. Với bẫy “buôn người”, các đối tượng hứa hẹn xuất khẩu lao động không tốn phí, không cần kinh nghiệm, bằng cấp; công việc nhẹ nhàng, thu nhập ổn định, lương cao với thủ tục đơn giản, visa chính ngạch và 6 tháng về nhà một lần. Sau khi sập bẫy, nạn nhân sẽ bị giữ giấy tờ tùy thân, bị bán hoặc giam cầm, đánh đập, cưỡng bức lao động… Ngoài ra, các đối tượng ép nạn nhân lôi kéo, dụ dỗ thêm người tham gia; ép giả mạo các cơ quan chức năng, cá nhân, tổ chức để lừa đảo trên không gian mạng hoặc bị mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người. Nếu nạn nhân muốn về nhà sớm thì phải nộp một số tiền lớn...

Vì vậy, ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân, đặc biệt là các bạn sinh viên cần cảnh giác trước các chiêu trò quảng cáo, chào mời việc nhẹ, lương cao, đặc biệt là các công việc ở nước ngoài, công việc online... Đối với người sử dụng mạng xã hội tìm việc làm trực tuyến trên các trang mạng xã hội, không truy cập vào các liên kết lạ, không cung cấp những thông tin cá nhân như: Căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, mã xác thực OTP trong giao dịch ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào. Đặc biệt, cần kiểm tra kỹ thông tin các đơn vị tuyển dụng, đến các trung tâm dịch vụ việc làm uy tín để được kết nối công việc phù hợp, tìm kiếm nhà tuyển dụng tin cậy. Ngoài ra, khi xin việc làm, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp tuyển dụng, nội dung công việc và nên nộp hồ sơ xin việc, phỏng vấn trực tiếp tại doanh nghiệp; hoặc thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín để tránh sập bẫy lừa đảo việc làm.

 

Bài, ảnh: Ngân Tuyền - Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Dạy nghề, tạo cơ hội việc làm cho người lao động huyện đảo Lý Sơn
Dạy nghề, tạo cơ hội việc làm cho người lao động huyện đảo Lý Sơn

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm là giải pháp tạo sinh kế bền vững cho lao động nông thôn, nhất là người nghèo. Đây cũng là “chìa khóa” để các địa phương ở Quảng Ngãi mở nút thắt trong mục tiêu giảm nghèo bền vững, giúp người dân nâng cao mức sống, thu nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN