Các trang fanpage này sử dụng logo, tên gọi các cuộc thi và hình ảnh của Ocean Edu để truyền thông và kêu gọi phụ huynh, học sinh đăng ký tham gia qua các trang/form giả mạo được lập ra với mục đích lừa đảo, thu phí. Điều này gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Ocean Edu, đồng thời làm thiệt hại tài chính của các gia đình. Nắm được tình huống lừa đảo này, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi cảnh báo diện rộng trên các phương tiện truyền thông để người dân biết và tránh mắc bẫy lữa đảo.
Theo Cục An toàn thông tin, với hình thức lừa đảo “giả mạo thương hiệu” như trên, các đối tượng sẽ tạo lập nhiều các trang fanpage, trang mạng xã hội (website) giả mạo vô cùng tinh vi và chuyên nghiệp. Trang web giả mạo có giao diện trông giống như trang web chính thức của một thương hiệu nổi tiếng. Các đối tượng còn có thể sử dụng các tên miền tương tự hoặc thay đổi một vài ký tự nhỏ, người dùng ít chú ý để làm cho trang web trông hợp lệ.
Để tăng mức độ uy tín, các đối tượng còn tạo ra các tài liệu, quảng cáo hoặc sản phẩm với tên và logo của thương hiệu nổi tiếng, đồng thời đăng tải những nội dung về các cuộc thi có tính hấp dẫn để thu hút sự chú ý và đánh lừa người tiêu dùng. Những người dùng mạng xã hội có nhu cầu tìm hiểu các nội dung liên quan, tham gia cuộc thi để nhận phần thưởng, giải thưởng thường sẽ để lại tin nhắn, nhận xét... trên các fanpage. Theo đó, đối tượng sẽ nhanh chóng tiếp cận với nạn nhân qua hình thức tin nhắn và yêu cầu nạn nhân tham gia cuộc thi cung cấp thông tin cá nhân như đầy đủ tên, địa chỉ, số điện thoại, hòm thư điện tử (email) thậm chí cả thông tin tài chính liên quan đến mức thu nhập...
Khi người tham gia cung cấp thông tin, kẻ lừa đảo gửi email thông báo họ đã trúng giải thưởng vô cùng lớn, hấp dẫn. Email thường yêu cầu người tham gia cung cấp thêm thông tin hoặc trả phí để nhận giải thưởng của các cuộc thi giả. Khi nạn nhân chuyển tiền, kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạn số tiền và khóa tin nhắn liên hệ.
Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn (Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia) cho biết, hiện nay trên mạng xã hội phổ biến 3 nhóm lừa đảo chính: Giả mạo thương hiệu; Chiếm đoạt tài khoản và lừa đảo kết hợp nhiều hình thức. Cục An toàn thông tin cũng đã thống kê có 24 hình thức lừa đảo khác nhau phổ biến trên không gian mạng Việt Nam. “Người dùng cần phải nâng cao cảnh giác khi sử dụng internet và chỉ truy cập vào những địa chỉ, trang web, trang mạng xã hội mà chúng ta đã biết rõ nguồn gốc. Không nên bấm vào các đường link được gửi qua chat, tin nhắn, qua email, bởi lẽ có thể những đường link này là sẽ dẫn tới trang web giả mạo khiến thiết bị của chúng ta bị chiếm quyền điều khiển, từ đó kẻ xấu có cơ hội lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng, cá nhân...” chuyên gia Sơn chia sẻ.
Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo mọi người cần cẩn trọng trước các lời mời hấp dẫn của các cuộc thi trên mạng xã hội. Trước khi quyết định tham gia cuộc thi nào từ nguồn thông tin trên mạng xã hội, mọi người cần thực hiện xác minh danh tính của đối tượng/tổ chức. Bên cạnh đó, cần xác minh tính xác thực của bất kỳ trang web hoặc email nào bằng cách kiểm tra địa chỉ trang web trên mạng internet (URL). Nên tìm trang website chính thức của đơn vị tổ chức, gọi điện liên hệ trực tiếp, sử dụng số hotline, chatbot tự động trên web để kiểm tra thông tin với thương hiệu hoặc tổ chức. Lưu ý, khi chưa xác định được nguồn gốc của đơn vị tổ chức, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức.
Đồng thời, nếu cảm thấy những yêu cầu để nhận giải thưởng hoặc tham gia cuộc thi bất hợp lý hoặc quá đơn giản, phần thưởng quá hấp dẫn thì người dân cần đặc biệt cẩn trọng. Ngoài ra, người dùng cũng nên đảm bảo rằng máy tính hoặc thiết bị kết nối internet (điện thoại, máy tính bảng) của bạn được bảo vệ bằng phần mềm chống virus và phần mềm bảo mật khác.