Bác sĩ Đỗ Thanh Toàn, Phó Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa thông tin, nạn nhân 7 tuổi tên Linh được đưa vào viện chiều 23/6 trong tình trạng toàn thân tím tái, mất ý thức, trên tay có nhiều vết cắn. Kíp trực của Bệnh viện cấp cứu ca này theo tình huống chống sốc phản vệ (chất độc của con sứa tấn công cơ thể). Sau cấp cứu, tình trạng của bé ổn định, tại các vết sứa cắn còn bị sưng và phù nề, không có tình trạng nhiễm trùng. Nạn nhân sẽ được xuất viện nếu tiến triển tốt trong thời gian tới.
Hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đều tiếp nhận các trường hợp cấp cứu liên quan đến sứa, con vật lạ cắn khi tắm biển. Bác sĩ Đỗ Thanh Toàn khuyên: khi trẻ bị sứa cắn nên đưa trẻ ra khỏi vùng nước đang có sứa, bình tĩnh, trấn an để trẻ bớt lo lắng, sợ hãi; sau đó nhanh chóng gỡ bỏ sứa ra nếu còn bám trên cơ thể, rồi rửa vết thương bằng nước biển hoặc giấm để làm sạch độc tố, không rửa bằng nước ngọt vì làm tổn thương nặng hơn. Tiếp đến, nên đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám, tránh nhiễm trùng vết thương. Trong trường hợp trẻ bị sốc phản vệ sau khi bị sứa cắn với các biểu hiện như ớn lạnh, lo sợ, hoảng hốt, xuất hiện các triệu chứng nóng bừng, nổi ban đỏ, ngứa trên da, phù mắt, phù môi, ngạt mũi, cảm thấy khó thở, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt… cần nhanh chóng đưa đến viện ngay. Việc sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Anh Hoàng Văn Dũng trú tại phường Phước Hòa, thành phố Nha trang (ba của Linh, người cũng bị sứa cắn trong chiều 23/6) cho biết: Anh và con gái tắm ở khu vực biển Hòn Chồng, đường Phạm Văn Đồng. Lúc Linh bị sứa cắn, con không phát hiện đau; anh Dũng phát hiện, đưa con lên bờ thì hai tay con đã bầm đen, con mê man, ngất đi.
Theo mô tả của anh Dũng, loại sứa cắn anh và con gái có hình thù rất kỳ lạ, có xúc tu dài như con giun. Đây là loại sứa lạ lần đầu tiên anh và con gái gặp phải nên muốn chia sẻ để người dân cùng cẩn trọng khi tắm biển.
Theo các chuyên gia, sứa biển có các xúc tu với các tế bào có chứa chất gây dị ứng và gây độc, vì vậy nếu vô tình chạm vào sứa khi đang bơi, các chất độc này sẽ bám vào da và xâm nhập cơ thể.
Các chuyên gia cũng cảnh báo: Vào cao điểm mùa du lịch, tắm biển cũng là thời điểm giao mùa, thời tiết nắng nóng nên sứa thường nổi lên mặt nước. Việc phát hiện sứa dưới biển để tránh là rất khó. Do đó, người dân cần chú ý khi đi biển nên tránh tắm ở các vùng biển lạ vì dễ gặp các sinh vật lạ và rất nguy hiểm, nếu không xử trí kịp thời.