Cần hướng tạo việc làm cho 214 giáo viên Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Ngày 26/10, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và đoàn công tác Bộ Nội vụ đã làm việc với tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cùng các cơ quan chức năng để giải quyết, xử lý việc chấm dứt hợp đồng đối với 214 giáo viên ở huyện Kỳ Anh cũ.


Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: UBND huyện Kỳ Anh cũ (nay là huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh) đã ký hợp đồng với các giáo viên trong một thời gian dài mà chỉ tổ chức 1 kỳ thi (lựa chọn hồ sơ có bằng giỏi) là việc làm không đúng. Khi chấm dứt hợp đồng đối với số lượng lớn người lao động, địa phương phải có những giải pháp cho người lao động, ổn định tư tưởng, hài hòa chính sách đối với người lao động.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng chỉ ra những sai sót khi huyện Kỳ Anh cũ chỉ tiến hành ký hợp đồng với nhiều lao động là giáo viên mà không đóng bảo hiểm cho họ. Đối với một số giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, là con em liệt sĩ lại càng phải quan tâm thực hiện các chính sách với các đối tượng này. Khi ký hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, người sử dụng lao động đã không ghi rõ, khi cơ quan không còn nhu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh tổ chức gặp gỡ các giáo viên, đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của các giáo viên, từ đó có hướng tạo việc làm, giải quyết chế độ chính sách cho họ.

UBND huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh cần rút kinh nghiệm, tổ chức các kỳ tuyển dụng giáo viên hàng năm. Việc thực hiện hợp đồng lao động phải đảm bảo đúng quyền lợi, đóng bảo hiểm cho người lao động. Trong tuyển dụng giáo viên cần chú ý các chính sách với người có công, những đối tượng là con thương binh, liệt sĩ, người có hoàn cảnh khó khăn.

Từ năm 2010 đến năm 2014, UBND huyện Kỳ Anh cũ đã ký các hợp đồng lao động và ban hành quyết định cho các trường học (23 trường trung học cơ sở, 31 trường tiểu học và 2 trường mầm non) trên địa bàn ký kết hợp đồng với 214 lao động để làm nhiệm vụ giảng dạy và phục vụ.

Nhưng thực hiện chủ trương kiện toàn, củng cố bộ máy hành chính nhà nước trước khi thành lập thị xã mới, ngày 27/1/2015, UBND huyện Kỳ Anh cũ đã có Thông báo về việc chấm dứt hợp đồng đối với các giáo viên, nhân viên hành chính từ ngày 30/9/2015. Do đó 214 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng đã có đơn “kêu cứu” đến các cấp, các ngành.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã khẳng định, việc huyện Kỳ Anh cũ không tổ chức tuyển dụng mà liên tục ký hợp đồng với số lượng lớn giáo viên, nhiều người ký hợp đồng mà không được đóng bảo hiểm là sai sót.

Khi tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo tất cả các huyện, thị xã rà soát lại đội ngũ cán bộ, giáo viên thì huyện Kỳ Anh đã tiến hành chấm dứt hợp đồng của 214 giáo viên, trong đó có những người đứng lớp hơn 10 năm, nhiều giáo viên là con em gia đình chính sách, dẫn đến dư luận không tốt đối với ngành giáo dục.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh rà soát đội ngũ cán bộ giáo viên, căn cứ vào kinh nghiệm, thời gian công tác của các giáo viên để tuyển dụng giáo viên giảng dạy những môn học còn thiếu, môn học nào đã đủ giáo viên thì thôi. Bên cạnh đó, phải đảm bảo quyền lợi và thực hiện đúng chính sách, chế độ của công chức, viên chức; quản lý chặt chẽ hợp đồng lao động chuyên môn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động, sai đến đâu, kiểm điểm, xử lý đến đó, tuyệt đối không né trách trách nhiệm.

PV
Giáo viên ở Séc - lương thấp, áp lực cao
Giáo viên ở Séc - lương thấp, áp lực cao

Hệ thống giáo dục của CH Séc đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ đòi hỏi phải có giải pháp hữu hiệu để đáp ứng được những kỳ vọng của xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN