Cộng hoà Séc, với dân số khoảng 10,5 triệu người, có nền giáo dục với chất lượng đào tạo và giá trị bằng cấp tương đương với các nước châu Âu và châu Mỹ. Giáo dục tại Séc là hoàn toàn miễn phí cho tất cả các bậc phổ thông trung học, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ học bằng tiếng Séc. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vượt trội không thể phủ nhận thì hệ thống giáo dục của CH Séc cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ đòi hỏi phải có giải pháp hữu hiệu để đáp ứng được những kỳ vọng của xã hội. Công sức lao động của giáo viên bị đánh giá thấp là một trong những bất cập nổi lên hiện nay và đã được đề cập nhiều lần. Theo Bộ trưởng Giáo dục Séc Katerina Valachova, bộ này có kế hoạch tăng lương cho giáo viên từ tháng 11 năm nay lên 3% cũng như chi một khoản lớn hơn nhiều cho các giờ học thể thao của học sinh, trong đó khoảng 500 triệu koruna (18,5 triệu euro) được dành cho các tổ chức thanh niên, các nhóm du lịch lữ hành và tổ chức hướng đạo sinh đứng ra tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh.
Một lớp học ở CH Séc. Ảnh: expats.cz |
Bà Valachova nhấn mạnh: “Chúng ta cần cố gắng để xã hội tôn trọng và đánh giá đúng công việc của giáo viên. Chính giáo viên là những người có thể góp phần tạo dựng trong trường học một môi trường giáo dục an toàn, nơi tất cả học sinh đều cảm thấy thoải mái và có những điều kiện như nhau để phát triển những khả năng sẵn có trong khuôn khổ nhu cầu của các em”.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm phân tích IDEA thuộc Viện kinh tế CERGE-EI của Séc, các nhà sư phạm ở quốc gia Trung Âu này được xếp vào hàng các chuyên gia có bằng đại học được trả lương thấp nhất. Hơn 80% số công chức Séc có bằng đại học được nhận lương cao hơn giáo viên. Lương trung bình của giáo viên ở Séc hiện nay là 28.803 koruna (hơn 1.000 euro). Trong khi đó cán bộ nhân viên các lĩnh vực hưởng lương ngân sách, chẳng hạn như bác sĩ hay viên chức, trung bình được nhận lương nhiều hơn 10.000 koruna ((370,4 euro).
Nếu so sánh với các nước có nền kinh tế phát triển hơn trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thì CH Séc thuộc vào số các quốc gia tụt hậu nghiêm trọng về mức lương giáo viên, cũng như Slovakia, Hungary hay Áo.
Bộ trưởng Giáo dục Séc cũng dự định đưa ra thảo luận tại Quốc hội một vấn đề hết sức nhạy cảm liên quan đến việc hàng nghìn giáo viên không có việc làm trong những tháng Hè. Trước kỳ nghỉ Hè khoảng 3 nghìn thầy cô giáo lại hoang mang về tình hình tài chính của mình. Vấn đề là giáo viên làm việc hợp đồng tại các trường học thường không có lương trong kỳ nghỉ Hè. Bà Valachova cho biết Bộ Giáo dục đang soạn thảo luật giáo dục mới để giải quyết bất cập này.
Giờ ăn trưa ở trường học Séc. Ảnh: expats.cz |
Bên cạnh đó, nghề giáo ở Séc cũng đang phải đối mặt với một thách thức không nhỏ. Đó là thái độ của phụ huynh học sinh đối với nhà trường. Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến cha mẹ có con ở độ tuổi dưới 12 cho thấy, 30% số người được hỏi bày tỏ sự không hài lòng với ngôi trường mà con họ đang theo học. Chỉ có 25% số cha mẹ học sinh cho rằng nhà trường có thể phát triển những khả năng tiềm ẩn của trẻ, trong khi đó 10% tỏ ý sẵn sàng trả thêm tiền cho một trường học có chương trình giáo dục chất lượng cao. Để làm điều đó cha mẹ học sinh sẵn sàng gánh thêm những lo toan khi phải đưa đón con em mình đi học ở những trường học cách xa chỗ ở hơn. Một nửa số phụ huynh coi việc phân chia trẻ em vào các lớp học không căn cứ theo độ tuổi, mà theo kiến thức và mối quan tâm của các em, là điều hợp lý hơn.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận nói trên cũng cho thấy nhà trường không thể chuẩn bị cho các em khả năng ứng phó với những vấn đề mà các em gặp phải trong cuộc sống. Một chuyên gia giáo dục cho rằng nhà trường đang lạc hậu với cuộc sống, bởi vì mô hình giáo dục đang được áp
giáo dục đang được áp dụng hiện nay để hướng dẫn cho trẻ em thích ứng với cuộc sống ở cuối thế kỷ 20. Trong khi đó thế giới ngày nay đã khác trước nhiều.