Lựa chọn học kỹ năng nghề
Ngày 5/9, trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội tổ chức khai giảng hệ 9+ (học sinh tốt nghiệp THCS vào học văn hoá kết hợp học nghề) và kết hợp nhận hồ sơ, tuyển sinh đợt 1 hệ cao đẳng.
Có mặt tại trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội từ sớm, ông Phùng Quốc Hoà (Yên Mông, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình), bố của em Phùng Minh Tuấn, cho biết: Dù được 24 điểm thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nhưng cháu có nguyện vọng theo học nghề kỹ thuật điện lạnh và điều hoà không khí. Sau khi tham khảo thông tin trên internet, gia đình lựa chọn cho cháu vào học tại trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh.
“Việc chọn ngành này một phần phụ thuộc vào năng lực và đam mê của cháu, nhưng phần khác vì gia đình cũng nhận thấy nghề điện lạnh trên thị trường lao động có nhiều nơi tuyển dụng. Học hệ cao đẳng gắn với thực hành, sau khi ra trường, cháu có thể làm việc tại doanh nghiệp hoặc về nhà mở cửa hàng”, ông Phùng Quốc Hoà chia sẻ trong khi đợi con làm thủ tục nhập học.
Em Ngô Quang Đại, sinh năm 2004, tại thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), cũng làm thủ tục nhập học theo chuyên ngành công nghệ kỹ thuật điện tử. “Anh trai em cũng học trường này và ra trường được 2 năm có việc làm ngay. Do đó, em đăng ký theo học tại đây để ra trường có việc làm”, em Ngô Quang Đại chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết: Năm nay trường có chỉ tiêu tuyển sinh là 500 hệ cao đẳng và 250 hệ trung cấp. Trong ngày 5/9, trường nhận hồ sơ nhập học đợt 1 của 250 em hệ cao đẳng; 100 em hệ trung cấp và theo hệ 9+.
Còn trường Trung cấp du lịch Hà Nội có chỉ tiêu tuyển sinh 100 hệ trung cấp nhưng mới tuyển được 40 em; hệ 9+ tuyển được 150 em. “Đa số những học sinh xác định học trung cấp là đã có định hướng nghề rõ ràng ngay từ đầu. Theo hồ sơ nhập học, có những trường hợp đã học xong đại học nhưng cần kỹ năng thực hành nên một số em quay lại học nghề để đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng”, ông Trương Tường Lân, Hiệu trưởng Trường trung cấp du lịch Hà Nội cho biết.
Theo kế hoạch, các trường đại học chính thức xét tuyển từ 5 - 15/9. Đến ngày 17/9 mới là hạn cuối để các trường đại học công bố danh sách trúng tuyển, do vậy, thời gian tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp cũng kéo dài đến hết tháng 9.
Ông Trương Tường Lân cho biết: Dù được phép tuyển sinh quanh năm, mùa cao điểm vẫn sẽ rải ra trong tháng 8 và tháng 9. Sau ngày 17/9, những em còn lưỡng lự giữa học nghề và theo học đại học mới lựa chọn tiếp con đường theo học khối giáo dục nghề nghiệp. Cũng sẽ có trường hợp học một thời gian trong trường đại học nhưng không thấy hợp thì sẽ đổi ý sang học hệ cao đẳng, trung cấp.
Đáp ứng nhu cầu thị trường lao động
Theo khảo sát từ một số trường cao đẳng, do lối vào trường đại học rộng mở so với các năm, nên hầu hết học sinh thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã có 2-3 giấy xác nhận trúng tuyển từ trường đại học. Những em lựa chọn cao đẳng chủ yếu là do khó khăn về tài chính hoặc có ý định sẽ học nhanh để đi làm sớm.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - LĐTBXH) cho biết: Với sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch COVID-19, các lĩnh vực như: Du lịch, y tế, logicstics, kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin, sáng tạo phần mềm, nông nghiệp chất lượng cao... đang được người học quan tâm nhiều hơn.
Trên thực tế, các trường có thương hiệu, có sự cam kết đầu ra với học sinh khi ra trường có việc làm thì công tác tuyển sinh diễn ra rất tốt.
Phân tích từ các đơn vị tuyển dụng cho thấy, nhu cầu nhân lực tại doanh nghiệp có trình độ đại học trở lên chiếm 21,84%, cao đẳng (18,46%), trung cấp (25,88%), sơ cấp (20,4%); nhu cầu lao động chưa qua đào tạo (3,42%). Trong khi đó, thông số về đăng ký tuyển sinh năm nay cho thấy, trong số hơn 940.000 thí sinh có dự kiến đăng ký xét tuyển đại học khi đăng ký dự thi, chỉ có hơn 616.000 (65,5%) thí sinh xác nhận đăng ký xét tuyển đại học; còn lại khoảng 325.000 thí sinh không tham gia xét tuyển (34,5%).
“Mặc dù con số so sánh giữa tuyển sinh và nhu cầu tuyển trên thị trường lao động mang tính tương đối nhưng phần nào cho thấy có sự vênh giữa đào tạo và tuyển dụng, đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 30% thí sinh sau tốt nghiệp đại học làm trái ngành nghề hoặc phải tự đào tạo lại tại doanh nghiệp”, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội phân tích.
Do đó, ông Mạc Quốc Anh cho rằng: Con số 325.000 thí sinh không xét tuyển đại học cho thấy sự phản hồi tích cực phù hợp với xu hướng cần lao động có tay nghề, đáp ứng thị trường lao động cấp trung và phổ thông. Từ thực tế này, nhiều em sẽ căn cứ vào hoàn cảnh gia đình, lực học ...để có cân nhắc trong việc chọn ngành nghề học. Hiện nguồn tuyển lao động chủ yếu là FDI và tư nhân, nên cần có tay nghề và trình độ thực tiễn cao.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lưu ý quan trọng nhất cho thí sinh nhập học khối giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng, trung cấp) là nếu muốn học ở trường nào, các bạn cần liên hệ trực tiếp với trường đó để tìm hiểu về thủ tục, hồ sơ và những yêu cầu riêng của trường.