Khu vực Bắc Bộ, chỉ số này giảm xuống mức trung bình do không khi lạnh tràn về gây mưa, trời nhiều mây.
Các thành phố được dự báo có chỉ số tia cực tím ở mức nguy cơ gây hại rất cao cụ thể: thành phố Hội An (Quảng Nam) ở mức 7.2; Thành phố Hồ Chí Minh ở mức 8.1; thành phố Cần Thơ ở mức 8.2; thành phố Cà Mau (Cà Mau) ở mức 7.
Dự báo, từ ngày 26-28/10, chỉ số tia cực tím tại khu vực Bắc Bộ tiếp tục duy trì ở mức trung bình. Ngày 27/10, các thành phố như: Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam) có chỉ số tia cực tím phổ biến ở mức nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể người. Từ ngày 28/10, chỉ số tia cực tím tại các thành phố thuộc khu vực Trung Bộ có xu hướng giảm. Tại các thành phố thuộc khu vực Nam Bộ, chỉ số tia cực tím duy trì ở mức nguy cơ gây hại cao đến rất cao.
Chỉ số tia cực tím là phép đo tiêu chuẩn quốc tế về độ mạnh của bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời. Chỉ số tia cực tím dao động từ 0-2 là thấp. Chỉ số tia cực tím từ 8-10 có nguy cơ gây hại rất cao, có khả năng gây bỏng nếu da tiếp xúc trực tiếp dưới ánh mặt trời liên tục trong 25 phút. Chỉ số tia cực tím từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, có nguy cơ làm tổn thương da và mắt khi da tiếp xúc trực tiếp trong 15 phút mà không được bảo vệ. Chỉ số tia cực tím ở mức 12 là mức nguy hiểm cực độ.
Việc cơ thể người tiếp xúc quá lâu với tia cực tím sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da. Con người tiếp xúc với bức xạ cực tím còn gây ra ức chế hệ thống miễn dịch. Các nhà khoa học cho rằng, việc cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu trong cơ thể người đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Tình trạng này nếu lặp đi lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.
Để phòng tránh các tác hại của tia cực tím và đề phòng sốc nhiệt, người dân khi làm việc ngoài trời nắng cần trang bị đồ dùng chống nắng như: quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính…; luôn đảm bảo đủ nước uống cho cơ thể.