Video Các khối nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp bỏ hoang, xuống cấp:
Mặc dù báo Tin tức đã nhiều lần phản ánh về tình trạng các dự án nhà cao tầng, khu đô thị xây thô rồi bỏ hoang, gây lãng phí đất vàng từ nhiều năm nay, nhưng thực tế này vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý, gây bức xúc dư luận, thành câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"...
Dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp gồm 6 khối nhà A1 - A6 cao 19 tầng, có tổng mức đầu tư phê duyệt dự án ban đầu hơn 1.492 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, được UBND TP Hà Nội khởi công xây dựng từ tháng 10/2009 - 2/2015, dự kiến cung ứng khoảng 22.000 chỗ ở cho học sinh, sinh viên các trường đại học phía nam Thủ đô. Từ năm 2015, các khối nhà A1, A5, A6 đã hoàn thiện đưa vào sử dụng (Nhà A1 cung ứng chỗ ở cho 4.032 sinh viên, nhà A5 cung ứng cho 4.032 sinh viên, nhà A6 cung ứng cho 2.736 sinh viên). Các nhà A2, A3 đã xây xong phần thô, nhưng tạm dừng, bỏ hoang đến nay do đã hết nguồn vốn xây dựng; nhà A4 không triển khai do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù nằm ở vị trí khá thuận lợi, gần các trục đường lớn, cửa ngõ thành phố, nhưng trong 3 khối nhà được khai thác, chỉ có 2 khối nhà A5, A6 có ít sinh viên đến ở, còn lại bỏ trống. Thậm chí, khối nhà A1 cũng bị bỏ hoang, cỏ cây dại mọc um tùm, bao phủ diện tích sân xung quang tòa nhà và đang xuống cấp nghiêm trọng.
Dạo một vòng xung quanh các khối nhà ở học sinh, sinh viên này, cảnh nhếch nhác, hoang tàn, xuống cấp nghiêm trọng của các tòa nhà không chỉ cho thấy sự lãng phí trong đầu tư ngân sách xây dựng của thành phố, mà còn gây mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc dư luận xã hội lâu nay. Đáng quan ngại là bên ngoài các khối nhà được quây tôn bỏ hoang cao quá đầu người, rác thải ngập ngụa, phế thải vứt bừa bãi, còn bên trong lớp hàng rào tôn là tình trạng lấn chiếm bừa bãi của nhiều người dân từ nơi khác đến dựng lều lán cư ngụ, đang dần biến các tòa nhà bỏ hoang thành khu “ổ chuột” giữa lòng khu đô thị, kinh doanh bãi xe, rửa xe, quán ăn trái phép... khiến cho khu vực này trở nên lộn xộn, mất an ninh trật tự.
Qua tìm hiểu, dự án khu nhà ở học sinh, sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp được coi là dự án có quy mô lớn nhất trong loại hình nhà ở này. Mặc dù 3 khối nhà đã đưa vào khai thác đều được bố trí thang máy, chỗ để xe tại tầng hầm, tầng một có thư viện, phòng y tế, nhà ăn tập thể, quầy giải khát... Từ tầng hai đến tầng 19, mỗi tầng đều bố trí một phòng sinh hoạt chung và từ 20 đến 30 phòng ở. Mỗi phòng ở có diện tích gần 40 m2, trang bị đầy đủ tiện nghi, giá cho thuê 1,640 triệu đồng/ phòng/ tháng cho 8 người, tương đương 205.000 đồng/người/tháng, rẻ hơn nhiều so các khu nhà trọ riêng lẻ do người dân tự xây dựng trong các khu dân cư.
TP Hà Nội kỳ vọng khi đưa vào sử dụng sẽ khắc phục tình trạng thiếu chỗ ở cho học sinh, sinh viên tồn tại từ nhiều năm nay. Song, thực tế đến nay, số lượng học sinh, sinh viên vào ở đây quá thấp, không ít sinh viên sau khi vào ở phản ánh, đều chuyển ra ngoài vì nhiều bất cập như: Xa trường đại học, giao thông không thuận tiện, thiếu vận tải công cộng kết nối, thiếu sự giao lưu, gắn kết với cộng đồng dân cư, an ninh không bảo đảm... Thêm vào đó, thiết kế mỗi phòng 8 người ở, không được nấu nướng, vì vậy không khác gì các khu ký túc xá, trong khi nếu ở ký túc xá, sinh viên được ở gần trường, thuận tiện khi đi học...
Trước thực tế trên, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị sớm xử lý bất cập Dự án nhà ở học sinh sinh viên tại khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước ngày càng eo hẹp, phải tận dụng mọi nguồn lực để phát triển triển đất nước, nhưng vẫn còn không ít sự lãng phí đầu tư ngân sách kéo dài nhiều năm ở những công trình, dự án trên “đất vàng” bỏ hoang. Theo rà soát của Bộ Xây dựng, nhiều dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Thủ đô hiện nay chưa phát huy hiệu quả, trong khi quỹ nhà ở xã hội chưa có nhiều. Nếu chuyển đổi công năng các khối nhà này thành nhà ở xã hội, TP Hà Nội cần tuân thủ nguyên tắc chuyển đổi từ vốn trái phiếu chính phủ thành vốn xã hội hóa và đảm bảo phương án thu hồi vốn ngân sách đã đầu tư; đồng thời, phải đảm bảo được hạ tầng xã hội như: Trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí… phù hợp cho người dân đến ở.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, theo các đại biểu Quốc hội, đất đai trong các dự án để hoang hóa, chậm đưa vào sử dụng đang gây lãng phí nguồn lực đất đai lớn, là thực trạng nhức nhối, song việc khắc phục chậm, chưa rõ trách nhiệm. Thực tế này đang làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương, làm mất cơ hội phát triển của đất nước và làm giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền. Từ đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan trong năm 2023, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật...
Có thể nói, việc xây dựng Dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp là nỗ lực lớn của TP Hà Nội, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên các trường đại học đang thiếu chỗ ở có nơi ở khang trang, sạch sẽ, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt, học tập. Tuy nhiên, trong khi hàng nghìn chỗ ở còn bỏ trống, bỏ hoang, hàng nghìn sinh viên khác vẫn đang phải thuê trọ giá cao là quá lãng phí. Nếu không có giải pháp khắc phục những bất cập nêu trên, e rằng tình trạng đìu hiu ở khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên sẽ khó cải thiện trong tương lai.