Các địa phương ứng phó với dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh

Dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại rất lớn cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Để giảm gánh nặng kinh tế do dịch tả lợn gây ra, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi gia cầm để duy trì kinh tế gia đình.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng tiêu hủy lợn bị dịch bệnh ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: Huyền Trang/TTXVN

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi và có hiện tượng lợn chết bất thường ở 99 hộ/trại chăn nuôi của 18 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố với tổng số lợn chết và buộc phải tiêu hủy là 7.739 con.

Theo Quyết định số 1481/QĐ-UBND ngày 03/06/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc Phê duyệt mức hỗ trợ việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ thực hiện theo nhóm lứa tuổi lợn, mức thấp nhất 300.000 đồng/con với lợn con và cao nhất là 4.500.000 đồng/con với lợn nái, nọc. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị chính quyền địa phương, các ban, ngành, tổ chức đoàn thể cần tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi lợn giảm đàn trong giai đoạn hiện nay, xem đây là giải pháp nhằm giảm áp lực dịch bệnh.

Hộ chăn nuôi lợn của anh Nguyễn Phi Long, xã Vĩnh Hoà, Phú Giáo, Bình Dương sắp tới sẽ được đền bù thiệt hại khoảng 500 - 600 triệu đồng (vì sau 15 ngày tiêu hủy lợn người dân mới được nhận tiền). Tuy nhiên, gia đình anh vẫn còn nợ ngân hàng khoảng 2 tỷ đồng tiền mua lợn giống, mua cám, sửa chữa chuồng... mà giờ lợn chết, cám đổ đi hết cũng không sử dụng lại được. Anh đang chờ có vắc xin phòng chữa bệnh mới dám nuôi lợn tiếp. Trước mắt anh sẽ chuyển qua chăn nuôi gia cầm để duy trì kinh tế gia đình và trả nợ.

Còn anh Nguyễn Quang Tiến, huyện Phú Giáo, Bình Dương cho biết, đàn lợn bị bệnh của anh nuôi số lượng lớn nên được đền bù hơn 2 tỷ. Giờ gia đình anh còn nợ ngân hàng, mà lợn thì không dám nuôi nữa nên đã dỡ chuồng lợn, vệ sinh, tận dụng cơ sở cũ nuôi gần 5.000 con vịt vì lý do vịt nhanh lớn, ít bệnh tật, thu hồi vốn nhanh,... Với giá bán như hiện tại, mỗi con vịt sẽ lãi từ 15.000-20.000 đồng. Với lứa nuôi 1.000 con thì các hộ nuôi lãi từ 15-20 triệu đồng.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục bố trí cán bộ, phương tiện, vật tư sẵn sàng thực hiện các hành động ứng phó theo quy định; tiếp tục tuyên truyền, thông tin chính xác và kịp thời về tình hình dịch bệnh, các chính sách cho người dân để vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa bảo vệ sản xuất tiêu thụ và tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Chi cục cũng giám sát chặt tình hình sức khỏe đàn vật nuôi, khi phát hiện lợn chết bất thường xảy ra ở địa phương khác sẽ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để có biện pháp giải quyết kịp thời; tăng cường kiểm tra việc giết mổ trái phép, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vận chuyển ra vào tỉnh; đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi tăng cường tần suất vệ sinh tiêu độc, cách ly người lạ ra vào khu vực chăn nuôi./.

Tại tỉnh Phú Thọ, đến ngày 18/6, Thanh Sơn là huyện cuối cùng của tỉnh công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 3 xã Cự Đồng, Địch Quả, Yên Lãng. Như vậy toàn tỉnh Phú Thọ đã có 72 xã, phường, thuộc 12/12 huyện, thành, thị đã công bố dịch tả châu Phi với số lượng lợn tiêu hủy tại các xã công bố dịch là gần 7.000 con. Bệnh dịch có xu hướng gia tăng, khó kiểm soát ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ chăn nuôi áp dụng quy trình an toàn sinh học không triệt để.

Nguyên nhân chính khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan là do một số hộ chăn nuôi thu gom và nhập lợn giống không rõ nguồn gốc; hoạt động điều trị của đội ngũ cán bộ thú y cơ sở, thương lái vào mua lợn không được cách ly, sát trùng trước khi vào chuồng; sử dụng thức ăn thừa từ nhà hàng để chăn nuôi lợn; sử dụng lợn đực giống phối dong, phối trực tiếp...

Trước thực trạng trên, tỉnh Phú Thọ đang triển khai nhiều biện pháp mạnh nhằm kiểm soát chặt dịch bệnh. Đối với các địa phương đang trong thời gian công bố dịch, tỉnh nghiêm cấm việc bổ sung, tái đàn. Các địa phương còn lại, tỉnh khuyến cáo tạm dừng việc bổ sung, tái đàn, giãn khoảng cách giữa các lứa sinh sản để giảm áp lực tổng đàn vì tình hình dịch bệnh vẫn có chiều hướng lây lan, mở rộng. 

Với trường hợp cố tình đưa lợn giống vào nuôi không có đầy đủ giấy tờ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nếu để dịch bệnh phát sinh thì không hỗ trợ và xử lý theo quy định của pháp luật. Tiếp tục duy trì hoạt động của các đội kiểm soát các cấp và các chốt ở các xã vùng dịch, vùng đệm và vùng uy hiếp; hướng dẫn các địa phương tổ chức xử lý ổ dịch đúng quy định.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý Thị trường xây dựng đường dây nóng để nhân dân có thể tố giác các hành vi vi phạm. Các Ban chỉ đạo cấp huyện cần phân công cụ thể công việc cho các thành viên để hoạt động đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời, tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt việc giết mổ; kiểm dịch vận chuyển; kinh doanh buôn bán lợn, thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn; tăng cường vai trò của Ban Quản lý các chợ trong kiểm soát hoạt động kinh doanh thịt lợn; mở rộng và phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm để có nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn, giao cho Sở Tài Chính cần sớm có phương án, mức giá hỗ trợ cho các hoạt động chống dịch…

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng tiêu hủy lợn mắc bệnh tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Cường/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, đến ngày 18/6, toàn bộ 7/7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã có bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, tính đến ngày 18/6, tỉnh đã có 302 hộ, 151 thôn, 50 xã có dịch tả lợn châu Phi với tổng số lợn phải tiêu hủy là 3.709 con, tương đương hơn 200 tấn.

Để phòng chống dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường hoạt động của các trạm kiểm dịch đầu mối trên các tuyến giao thông, kiểm soát chặt việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật; không cho vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc; thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, các tổ cơ động để ngăn chặn, kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. 

Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã thành lập 72 chốt, 9 tổ cơ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Tỉnh Tuyên Quang cũng bố trí đảm bảo nguồn lực chủ động thực hiện việc phun khử trùng các phương tiện giao thông ra vào địa bàn.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến chiều 18/6, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 58 tỉnh thành trên cả nước, số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là hơn 2,6 triệu con. Hiện còn 5 tỉnh chưa công bố có dịch gồm: Bến Tre, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bà Rịa -Vũng Tàu và Tây Ninh.

Huyền Trang - Đào An - Nam Sương  (TTXVN)
Cà Mau đặt mục tiêu 100 ngày đêm đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi
Cà Mau đặt mục tiêu 100 ngày đêm đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi

Trước diễn biến phức tạp và đang lan rộng của dịch tả lợn châu Phi, ngành chuyên môn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 100 ngày đêm để phòng chống, ngăn chặn dịch, ông Nguyễn Thành Huy - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN