Biến quần, áo cũ thành những sản phẩm ‘handmade’ độc đáo từ bàn tay của trẻ khuyết tật

Những sản phẩm thời trang không còn được sử dụng như quần áo, giày dép, balo, mũ nón, phụ kiện, thú bông… thay vì bị vứt bỏ sẽ được các em tại mái ấm, nhà mở tái tạo thành những sản phẩm thời trang "handmade" độc đáo, vừa mang lại giá trị kinh tế vừa giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Với mục tiêu chống lãng phí thời trang, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và thân thiện với môi trường, đồng thời hỗ trợ lực lượng người khuyết tật trong độ tuổi lao động tại Việt Nam, ngày 14/1, Công ty Cổ phần DNXH Green Fashion đã phối hợp với Quỹ vì trẻ em khuyết tật Việt Nam, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi TP Hồ Chí Minh, cùng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh, tổ chức lễ ra mắt Ngân hàng thời trang Việt Nam và giới thiệu dự án “Thời trang hy vọng”.

Chú thích ảnh
Dự án hướng đến mục tiêu giúp những người khuyết tật trong độ tuổi lao động có thể hòa nhập và tạo việc làm cho người khuyết tật.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Công ty cổ phần DNXH Green Fashion, ngành công nghiệp thời trang hiện nay được coi là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau ngành dầu mỏ. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 85% hàng dệt may bị thải ra các bãi rác, tương đương với mỗi giây một xe tải quần áo bị đốt hoặc bỏ đi. Ngành công nghiệp này cũng chịu trách nhiệm cho 20% tổng lượng nước thải toàn cầu, với khoảng 70 triệu m³ nước thải mỗi năm.

Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Các quy trình xử lý ướt trong sản xuất dệt may như giặt, giũ, tiền xử lý, nhuộm và hoàn thiện tiêu tốn lượng lớn tài nguyên nước. Trước tình hình này, các doanh nghiệp dệt may trong nước đang đẩy mạnh đầu tư và triển khai các giải pháp thiết thực nhằm hướng đến một tương lai "xanh". Trong tầm nhìn đến năm 2050, "số hóa" và "xanh hóa" được xác định là xu thế tất yếu để ngành dệt may phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Chú thích ảnh
Những đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của các em thổi hồn vào những sản phẩm thời trang cũ không còn được sử dụng thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Theo đó, các sản phẩm thời trang bị lãng phí hoặc không còn được sử dụng như quần áo, giày dép, balo, mũ nón, phụ kiện, thú bông… thay vì bị vứt bỏ và trở thành gánh nặng cho môi trường thì Ngân hàng thời trang Việt Nam sẽ kéo dài vòng đời của chúng thông qua các hoạt động thu gom, phân loại và tái phân phối lại qua các kênh của Ngân hàng thời trang Việt Nam để đến những nơi cần thiết, tới những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Chú thích ảnh
Những túi vải cũ đã qua sử dụng được các em làm mới qua những nét vẽ với hình ảnh sinh động, tươi vui gắn liền với Tết cổ truyền.

Ông Nguyễn Tuấn Khởi chia sẻ: “Ngân hàng Thời trang Việt Nam sẽ là một mô hình giảm lãng phí và bảo vệ môi trường, hướng tới việc xây dựng nền kinh tế bền vững, đồng thời tạo ra giá trị mới cho các sản phẩm thời trang. Thông qua mô hình này, chúng tôi mong muốn lan tỏa thông điệp tích cực đến cộng đồng và ngành thời trang. Với dự án khởi động mang tên "Thời trang hy vọng", chúng tôi không chỉ tập trung vào việc tái sử dụng sản phẩm thời trang mà còn đề ra những giải pháp thực tế để giảm lãng phí, bảo vệ môi trường và tạo cơ hội mới cho người yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật. Chúng tôi tin rằng, mỗi hành động nhỏ sẽ góp phần xây dựng một nền kinh tế bền vững, nơi mọi món đồ đều có thể tìm thấy giá trị mới”.

Dự án “Thời trang hy vọng” đặt mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật trong độ tuổi lao động hòa nhập và phát triển trong cộng đồng. Thông qua hoạt động đào tạo nghề và tạo việc làm, dự án giúp người khuyết tật và người yếu thế tạo ra các sản phẩm thời trang tái chế và đồ "handmade" có tính ứng dụng cao, mang lại thu nhập kinh tế. Đây không chỉ là cơ hội để người khuyết tật phát triển kỹ năng nghề nghiệp mà còn là cách để xây dựng cuộc sống tự lập và đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Chú thích ảnh
Các bên ký kết và cùng nhau triển khai các hoạt động của dự án “Thời trang hy vọng”.

Bà Dương Thị Bích Diệp, Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam cho biết, dự án “Thời trang hy vọng” không chỉ mang lại những sản phẩm thời trang thiết yếu cho trẻ em và người khuyết tật mà còn giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề lãng phí trong ngành thời trang. Đây là một sáng kiến đầy ý nghĩa và rất phù hợp với mục tiêu của quỹ là mang lại cơ hội và sự hỗ trợ cho những người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Theo đó, Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam sẽ phối hợp với Ngân hàng thời trang Việt Nam và Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh tổ chức một lớp đào tạo nghề may mặc cho người khuyết tật tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Cũng tại chương trình, các phần quà ý nghĩa là thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng được trao tặng cho các em nhỏ khó khăn, khuyết tật tại trung tâm.

Ngay trong ngày ra mắt, Công ty cổ phần DNXH Green Fashion đã ký kết hợp tác với Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh và Quỹ Vì trẻ em khuyết tật Việt Nam. Các bên sẽ cùng nhau triển khai các hoạt động của dự án  nhằm cung cấp sản phẩm thời trang cần thiết cho những đối tượng yếu thế trong xã hội, tổ chức các khóa đào tạo nghề may mặc, thời trang "handmade" cho các đối tượng yếu thế, kết nối tạo việc làm và thương mại các sản phẩm do người các đối tượng yếu thế sáng tạo ra…

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Khám sàng lọc và phẫu thuật cho trẻ khuyết tật
Khám sàng lọc và phẫu thuật cho trẻ khuyết tật

Ngày 6/8, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho biết, từ ngày 5 - 9/8, bệnh viện phối hợp với Trung tâm II - Trực tiếp Hỗ trợ trẻ khuyết tật (trực thuộc Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam) triển khai chương trình “Khám sàng lọc và phẫu thuật cho trẻ khuyết tật” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN