Bến Tre kiến nghị xem xét bổ sung đối tượng được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: Thợ xây dựng, thợ may gia công, thợ gói kẹo, lái xe dịch vụ chở khách... đặc biệt là giáo viên, bảo mẫu tại các trường mầm non công lập, ngoài công lập, giáo viên của các trung tâm ngoại ngữ.

Tuy nhiên, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 chưa có quy định hỗ trợ các đối tượng này, do vậy, nhiều người lao động chưa được thụ hưởng.

Trường Mầm non Khai Trí, xã Bình Phú, thành phố Bến Tre có 20 giáo viên hợp đồng lao động. Thời điểm bùng phát dịch COVID-19, các cô giáo đều nghỉ dạy, không lương, không có nguồn thu nhập, đời sống gặp khó khăn. Khi có thông tin Chính phủ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, cô Hồ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Khai Trí và các đồng nghiệp rất mong chờ được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, các cô giáo không nằm trong diện đối tượng được hưởng.

"Lúc đầu là mong chờ, vui mừng để được nhận hỗ trợ. Ai cũng mong được nhận dù ít cũng giúp các cô giáo trang trải một phần khó khăn lúc dịch bệnh. Sau đó, biết mình không nằm trong diện được hỗ trợ, các cô giáo đều buồn. Tuy nhiên, các cô giáo hy vọng Chính phủ sẽ xem xét bổ sung các đối tượng được hưởng hỗ trợ", cô Hồ Thị Ngọc Thúy chia sẻ.

Trong quá trình giám sát chi hỗ trợ cho đối tượng khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều địa phương phản ánh, các nhóm lao động có ký kết hợp đồng, có tham gia bảo hiểm xã hội như: Bảo mẫu, giáo viên, cấp dưỡng, tạp vụ dọn dẹp vệ sinh… bị tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động tại các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục. Khi làm thủ tục theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, cơ quan Bảo hiểm xã hội trả lời không thuộc nhóm 1 (người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương) nên không xác nhận hưởng hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Châu Thành cho rằng, trong thời gian dịch COVID-19, các điểm kinh doanh karaoke đóng cửa, tạm dừng hoạt động được hỗ trợ. Trong khi đó, giáo viên hợp đồng ở các trường nghỉ việc lại không được. Như vậy, giáo viên rất thiệt thòi.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre, tỉnh có trên 1.600 giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học có hợp đồng lao động, được nhà trường trả lương. Trong thời điểm dịch bệnh, các giáo viên này thật sự gặp khó khăn vì không có lương và không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ. 

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre Đặng Thị Phượng cho biết, do kinh phí khó khăn, UBND tỉnh chủ trương không mở rộng thêm các đối tượng được hưởng mà chỉ thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng theo hướng dẫn từ Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tỉnh đang cố gắng giải quyết kịp thời, đầy đủ và chính xác cho những đối tượng nằm trong quy định của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.

Bà Đặng Thị Phượng cho biết thêm, qua công tác giám sát của Mặt trận các cấp, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã kiến nghị Trung ương và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét lại các đối tượng được hưởng hỗ trợ theo quy định. Trên thực tế, nhiều đối tượng gặp khó khăn nhưng trong quy định không thuộc nhóm được nhận hỗ trợ.

Trước thực trạng nhiều đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 nhưng không được hưởng hỗ trợ, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chiều 9/7, bà Nguyễn Thị Bé Mười, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, bổ sung hỗ trợ cho giáo viên của các trường mầm non công lập, ngoài công lập, các trung tâm ngoại ngữ, người làm công tác bảo mẫu ở các trường tư thục và công lập, đơn vị sự nghiệp, để chia sẻ một phần khó khăn với các nhóm đối tượng này.

Đến thời điểm này, tỉnh Bến Tre đã chi hỗ trợ 100% cho các nhóm đối tượng người có công, người được bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo với tổng số 165.573 người, tổng số tiền hỗ trợ trên 172 tỷ đồng.

Các nhóm đối tượng: Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động thì các địa phương đã nhận khai báo của doanh nghiệp và người lao động để bình xét, thẩm định và lập danh sách đề nghị chi hỗ trợ. Theo đó, 137 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, 347 hộ kinh doanh, 1.924 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và 10 trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đã nhận được hỗ trợ.

Tính đến ngày 9/7, tỉnh Bến Tre có hai huyện Mỏ Cày Bắc và Thạnh Phú đã cơ bản hoàn thành việc chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo quy định với tổng số đối tượng được hưởng là 37.065 người, tổng số tiền hỗ trợ trên 37 tỷ đồng.

Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Chi hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ đạt thấp
TP Hồ Chí Minh: Chi hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ đạt thấp

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 8/7, có trên 514.000 người trên địa bàn Thành phố gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã được hỗ trợ với tổng số tiền gần 564 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN