Cụ thể, tại tỉnh Hà Tĩnh, do mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng và làm ngập khoảng 15.400 ha diện tích lúa hè thu mới gieo cấy trên địa bàn toàn tỉnh.
Tỉnh Nghệ An có 3 bè cá của ngư dân bị chìm, 3.463 ha lúa hè thu; 368 ha rau màu bị ngập; 1900 ha cây vừng; 71 ha thủy sản bị thiệt hại; 30m kênh bị sạt lở.
Tại tỉnh Thanh Hóa, thiên tai đã làm 3 nhà ở huyện Nga Sơn bị tốc mái , 422 ha lúa, 286,8 ha rau màu, 4.813 cây xanh, 10 cột điện, 347m tường rào bị thiệt hại.
Đối với sự cố 2 bè mảng của anh Lê Đức Giang (sinh năm 1985) và anh Lê Văn Dương (sinh năm 1987) cùng trú phố Đông Hải, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn đang trên đường vào tránh bão thì bị hỏng máy, trôi dạt, mất liên lạc. Tỉnh Thanh Hóa đã điều động 1 tàu công suất 2.800 CV của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và huy động 2 tàu cùng lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có Công văn số 59 ngày 13/6 gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đề nghị phối hợp tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã điều động 1 tàu và lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
Về sự cố tàu cá TH91677 có 7 ngư dân của Thanh Hóa khi di chuyển vào đảo Bạch Long Vĩ tránh bão bị sóng đánh chìm, 7 người trên tàu đã được tàu cá cùng tổ đội cứu vớt an toàn.
Tại tỉnh Hòa Bình, mưa lớn đã gây sạt lở tại các huyện Lương Sơn, Đà Bắc và Tân Lạc.
Khu vực xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn huyện Lương Sơn phải sơ tán dân khẩn cấp với 40 hộ với 191 nhân khẩu trong ngày 12/6; 4 nhà, 22ha lúa, 8 lợn bị thiệt hại, 220m3 đất đá đường bị sạt lở.
Để ứng phó với hoàn lưu sau bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nội dung Công điện số 05/CĐ-TW hồi 15 giờ ngày 12/6/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai-Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong đó tập trung vào việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, ngập úng cục bộ tại một số khu vực.
Đối với các tỉnh thuộc khu vực miền núi, chủ động theo dõi đôn đốc, giám sát với tình hình mưa lớn, rà soát các phương án, kịch bản ứng phó chi tiết. Đặc biệt các khu vực có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, các khu hầm lò, khai thác khoáng sản. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng phó với thiên tai khi có yêu cầu.
Bộ Giao thông vận tải đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đặc biệt tuyến hàng hải phù hợp với thông lệ quốc tế, khả năng của tàu thuyền.