Báo động những vụ tự tử ở giới trẻ

Từ đầu năm 2013 đến nay, có hàng chục vụ tự tử thương tâm của các em ở tuổi vị thành niên, thanh niên, để lại đau thương, xót xa và cả sự bàng hoàng, hoang mang trong dư luận về vấn đề tâm lý, suy nghĩ của giới trẻ...


Xót xa những cái chết thương tâm


Ngày 14/4/2013, em Trần Duy Tài, là học sinh lớp 10 Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội đã nhảy từ tầng 23 toà nhà chung cư Bắc Hà, Hà Đông, tự tử. Sự việc đau lòng được phát hiện vào đầu giờ chiều ngày 14/4, khi giờ vào học bắt đầu nhưng vẫn chưa thấy Tài đến, cô Tuyết gọi điện thì em xin phép đến muộn. Một lát sau phát hiện ra có tiếng rơi từ trên cao xuống, mọi người chạy ra thì Tài đã tử vong.

Hình ảnh về các vụ tự tử ở tuổi vị thành niên gần đây
gây chấn động dư luận…


Sáng ngày 13/4, lực lượng tìm kiếm cứu nạn cùng người thân đã vớt được thi thể em Lê Văn Vũ, 15 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Mỹ Châu (trú xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), nhảy cầu tự tử vì bị giáo viên môn giáo dục công dân ghi vào sổ đầu bài sử dụng điện thoại di động trong giờ học.


Cách đó vài ngày là vụ tự tử thương tâm của em Huỳnh Thị Ngọc Trinh, học sinh lớp 5A3 Trường Tiểu học thị trấn Nàng Mau 1, vì bị ba mẹ mắng và đánh vì không làm bài tập. Tại bàn học của em ở Trường, cơ quan điều tra thu được một lá thư của em với nội dung muốn đi xa: “Cha mẹ ơi, có lẽ con không có trong nhà thì cả nhà sẽ êm ấm hạnh phúc. Nếu không có con thì cả nhà sẽ hạnh phúc êm ấm rất là nhiều. Con không muốn làm người phá rối trong gia đình. Cho con nói lời vĩnh biệt út thật, con không nhìn thấy út thật lớn lên rồi. Đừng tìm con nữa. Tạm biệt cả nhà. Khi mọi người tìm thấy, con đã đi rồi”.


Hơn một tháng trước, cũng tại một trường tư thục ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, một nữ sinh lớp 12 có học lực khá giỏi, ngay trong giờ học Toán đã bất ngờ chạy ra hành lang tầng 2 và gieo mình xuống đất tự vẫn. Lý do tìm đến cái chết của em học sinh nữ này chỉ là phản ứng khi cô giáo phạt học sinh chép bài chưa đúng. Cũng trong thời gian này, một học sinh nữ Trường THCS tại Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cũng nhảy sông tự tử. Nguyên nhân tìm đến cái chết của em học sinh này được xác định là do trước đó em bị một chủ cửa hàng quần áo nghi ngờ lấy đồ và có những lời lẽ xúc phạm không hay.


Đúng ngày Valentine năm nay, một cựu sinh viên đã nhảy từ tầng 7 xuống đất tự vẫn vì tình. Theo những người có mặt tại hiện trường hôm 14/2, thì thanh niên nhảy từ tầng cao xuống tự tử tên là Huy, Huy yêu một nữ sinh ĐH Tây Bắc. Nhân dịp Lễ tình nhân, chàng cựu sinh viên về trường để mong người yêu cũ quay lại nhưng thấy bạn gái có người yêu mới, Huy đã bóp cổ cô gái đến chết rồi lên tầng 7 nhảy xuống sân trường, tử vong tại chỗ.


Đáng báo động hơn cả là tình trạng học sinh tự tử tập thể. Năm 2006, tại Hải Dương đã xảy ra vụ tự tử tập thể của 5 nữ sinh gây xôn xao dư luận. Còn mới đây, vụ việc 3 học sinh ở Đăk Nông rủ nhau cùng chết khiến không ít người giật mình. Những sự việc đau lòng xảy ra liên tiếp đã gióng lên hồi chuông báo động về sự bất ổn tâm lý nghiêm trọng của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay.


Trách nhiệm không riêng ai


Nhìn nhận về những sự việc đáng tiếc trên, nhiều người cho rằng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về gia đình và nhà trường. Gia đình đã không quan tâm và có biện pháp định hướng tốt cho con em mình. Trong khi đó, khi tới trường, các em chủ yếu được trang bị kiến thức trong sách vở nhưng chưa được cung cấp đầy đủ kỹ năng sống. Hiện nay, thời đại bùng nổ thông tin, nhiều em học sinh bị "đầu độc" bởi những văn hóa phẩm có nội dung xấu. Các gia đình đua nhau mua sắm điện thoại, máy tính để phục vụ nhu cầu học tập của con em mình. Tuy nhiên lại chưa có biện pháp để kiểm soát việc con cái sử dụng những vật dụng đó vào mục đích tốt hay xấu. Hơn nữa, hiện nay nhiều phim ảnh nước ngoài vào Việt Nam, hình ảnh chém giết, tự sát không phải là hiếm. Những điều trên dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc trong phát triển tâm sinh lý của giới trẻ.


Khi nghiên cứu về hiện tượng này, các nhà tâm lý học cho rằng, mặc dù muốn chứng tỏ cái tôi trước người lớn nhưng thực ra các em rất yếu đuối, cần sự chia sẻ. Trên thực tế cho thấy, khi giới trẻ gặp bế tắc, không tìm ra được hướng giải quyết cơ bản, thì với sự bồng bột, ngây thơ, việc các em tìm đến cách giải quyết tiêu cực là điều rất dễ xảy ra.


PGS.TS Phùng Văn Hoàn (Nguyên Phó Chủ tịch Trung Ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) lý giải về những vụ việc đáng tiếc vừa rồi có thể do khủng hoảng tâm lý lứa tuổi vị thành niên. Ông Hoàn cho rằng, lứa tuổi học sinh hiện nay đang là giai đoạn giao thời giữa tuổi vị thành niên và trưởng thành, do đó các em rất muốn chứng tỏ mình. Tuy nhiên, bề ngoài tỏ ra cứng rắn, ương ngạnh nhưng tâm hồn của các em rất dễ bị tổn thương. Khi bị phê bình hoặc bị đối xử không công bằng, giới trẻ lập tức cảm thấy tổn thương, mặc cảm rồi có những hành động dại dột.


Giải pháp nào để bảo vệ giới trẻ?


Người ta hay nói, gốc rễ mà chắc chắn thì cây sẽ vững vàng. Gia đình mà chắc thì con trẻ khó gục đổ một cách dễ dàng. Nếu quan tâm đến con cái một chút, những người làm cha mẹ không quá khó để nhận ra sự bất thường của con cái. Tuổi mới lớn đã bắt đầu có khả năng tự định đoạt mạng sống của mình, nhưng các em chưa đủ chín chắn để làm chủ khả năng đó. Cha mẹ cần quan tâm, chia sẻ và qiải quyết ngay nếu các em gặp vấn đề để đảm bảo tâm lý các em được giải tỏa. Cha mẹ nên bên cạnh để là nhà tư vấn tháo gỡ cho các em, là chỗ dựa tinh thần chống đỡ những bước đi vào đời, hướng dẫn các em biết cách xử lý khi gặp khó khăn, bế tắc.


Song song đó, nhà trường không chỉ dạy kiến thức mà còn phải chú trọng dạy kỹ năng để sống. Phải hướng dẫn các em cách giải quyết những vấn đề thường gặp, phải đem những câu chuyện tự tử này làm bài học kinh nghiệm cho các học sinh khác, là hồi chuông báo động để cảnh tỉnh các em. Đồng thời, các tổ chức xã hội như Đoàn, Đội và các cơ quan truyền thông cũng phải tạo thành một sức mạnh thông tin tổng hợp, tạo những sân chơi, tổ chức những chuyên đề giúp các em biết cách tự “tháo gỡ” khó khăn của mình.


Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất là ở bản thân các em. Nếu một mình không tự giải quyết được, hãy tìm đến sự trợ giúp từ người khác, đó cũng là một cách giải quyết. Ngay khi sự cố xảy ra, các em nên tâm sự với ba mẹ hoặc có thể nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô. Các em cần phải biết quý trọng mạng sống của mình bởi vì mỗi con người sinh ra chỉ có duy nhất một cuộc đời để sống.


Trong xã hội ngày nay có rất nhiều tấm gương sáng, họ còn có những giai đoạn khủng hoảng hơn nhiều cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng bằng bản lĩnh vững vàng, họ đã dũng cảm đương đầu và tìm cách giải quyết, họ đã đứng dậy từ vũng bùn và sống tốt hơn.


Hồng Nhung

Bị cha mẹ mắng, nam sinh lớp 7 nhảy cầu tự tử
Bị cha mẹ mắng, nam sinh lớp 7 nhảy cầu tự tử

Sáng 6/3, sau một thời gian nỗ lực tìm kiếm, người dân và gia đình nạn nhân đã tìm thấy thi thể em Lê Chí H. (13 tuổi, trú tại thôn Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), học sinh lớp 7 Trường THCS Hải Xuân, nạn nhân trong vụ nhảy cầu tự tử xảy ra vào tối hôm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN