Chiều 3/11/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Ủy ban Pháp luật, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Tòa án nhân dân Tối cao; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Phát biểu của lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Công an và nhiều bộ, ngành tại cuộc họp đã chia sẻ với những khó khăn của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trong công tác cai nghiện ma túy cũng như quản lý người nghiện, trong đó có những khó khăn liên quan đến thực hiện quy trình, thủ tục cai nghiện ma túy bắt buộc do có sự chưa đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn giữa các quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh: Đức Tám - TTXVN
|
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý cai nghiện được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn lực và kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên qua rà soát, đánh giá, tình hình ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, số người nghiện gia tăng, kết quả cai nghiện hiệu quả không cao. Với thực tế cũng như nhận thức rằng ma túy không chỉ liên quan đến sức khỏe, nòi giống mà còn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các hành vi phạm tội, làm mất trật tự an toàn xã hội, Nhà nước cũng như cả cộng đồng xã hội đều xác định phải bằng các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, cụ thể và với tinh thần quyết liệt, kiên trì, lâu dài để đảm bảo thực hiện đạt kết quả cao nhất trong công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.
“Chúng ta cần tiến hành sơ kết, tổng kết công tác này, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá nghiêm túc, nguyên nhân và trách nhiệm, trả lời cho được câu hỏi vì sao công tác này chưa hiệu quả, từ đó bổ sung những chỉ đạo, giải pháp mới, phù hợp với thực tế; đảm bảo công tác phòng chống ma túy, công tác cai nghiện và quản lý cai nghiện có hiệu quả hơn ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Theo báo cáo rà soát, quản lý người nghiện của Bộ Công an cho thấy tình hình nghiện ma túy ở nước ta vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn trong cả nước; số người tái nghiện vẫn ở tỷ lệ cao... Toàn quốc có 10 địa phương trọng điểm về ma túy, HIV/AIDS, trong đó có 3 địa phương có số người nghiện, người nhiễm HIV/AIDS có hồ sơ quản lý cao nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Sơn La. |
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo Hiến pháp mới, việc hạn chế quyền công dân, quyền con người phải được quy định bởi luật và phải được quyết định bởi tòa án. Luật Xử lý vi phạm hành chính mới thông qua đã thể hiện tinh thần này. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn cuộc sống, có một số điều, quy định giữa luật này và các luật liên quan còn chưa đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn, từ đó đặt ra yêu cầu phải kiến nghị xem xét, sửa đổi, vừa đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đồng thời phù hợp với thực tiễn, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý cai nghiện. Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định; tăng cường rà soát, nắm chắc số liệu người nghiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy; rút ngắn thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Các địa phương cần khẩn trương chuyển đổi một số cơ sở cai nghiện bắt buộc ở các địa phương thành các cơ sở cai nghiện không bắt buộc để tiếp nhận người nghiện ma túy; giải quyết tốt tình trạng người nghiện không được quản lý tại cộng đồng như hiện nay.
Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng như đề xuất của các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành hữu quan xây dựng văn bản của Chính phủ báo cáo và kiến nghị Quốc hội theo 2 phương án, thứ nhất là cho thí điểm lập Trung tâm tiếp nhận xã hội bắt buộc để tiến hành cắt cơn nghiện, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy trong khi chờ cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục, lập hồ sơ và quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; hoặc theo hướng thứ hai là kiến nghị cho lùi thời gian thực hiện điều 103 và điều 131, Luật Xử lý vi phạm hành chính để sửa đổi, bổ sung một số quy định của luật này.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:
Cần sự phối hợp của các cơ quan hữu quan
Việc cai nghiện hiện nay theo hai hình thức: Cai nghiện tự nguyện và cai nguyện bắt buộc. Người bị bắt buộc cai nghiện, chúng ta không coi họ vi phạm pháp luật, không phải tội phạm và đối xử bình thường như một con người. Trình tự thủ tục để hạn chế tự do của họ thì phải bảo đảm sao cho chặt chẽ.
Hiện bước đầu, chúng ta còn lúng túng vì thể chế chưa hoàn thiện, tổ chức thi hành chưa tốt, nhất là tòa án giờ mới trình Quốc hội xem xét Tòa xử vi phạm hành chính và năm 2015 mới triển khai. Các nước xử đơn giản, hồ sơ hoàn tất qua thẩm tra chuyển sang thẩm phán xem xét. Vì hạn chế tự do của đối tượng cai nghiện bắt buộc nên tòa án xem xét, bởi đây là bảo vệ pháp quyền.
Theo tôi, thủ tục so với pháp lệnh ngày xưa không quá phức tạp. Hồ sơ giấy tờ từ hành chính sang tòa án xem xét và trình tự thủ tục nhất định xem xét thận trọng hơn so với quyết định hành chính. Cũng xin chia sẻ, tình hình tệ nạn nghiện ma túy gia tăng ở TP Hồ Chí Minh, nên cần có sự chỉ đạo cơ quan hữu quan trên địa bàn phối hợp kịp thời ngăn chặn.
XM (thực hiện)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh):
Quốc hội cần ra nghị quyết
Hiện nay người nghiện đang gia tăng trong cộng đồng xã hội, cả nước có trên 200.000 người nghiện đang sống trong cộng đồng. Việc chúng ta đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc còn đang rất khó khăn. Việc xử lý vấn đề này đang rất bất cập và chúng ta phải hành động rất quyết liệt để giải quyết vấn đề này. Trước hết, xin nói về Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 nhưng để triển khai đưa luật này vào thực tiễn còn rất nhiều vấn đề bất cập và thiếu những văn bản để hướng dẫn.
Thứ hai, số người nghiện hiện nay còn rất đông trong cộng đồng. Một khi người nghiện thiếu thuốc thì có những hành vi rất khó kiểm soát và gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội mà người dân đang rất bức xúc. Để giải quyết vấn đề này, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội cần xem xét, nghiên cứu và cho phép một số giải pháp tình thế đối với công tác cai nghiện tại TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác có điều kiện. Một nghị quyết của Quốc hội hoặc chưa đưa ra một nghị quyết thì có thể đan xen trong Nghị quyết về kinh tế - xã hội phải nêu vấn đề này một cách rất rõ ràng. Nhưng Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh đề nghị với Quốc hội nên cân nhắc và có một nghị quyết, bởi chỉ có một nghị quyết của Quốc hội thì mới có thể cho phép tháo gỡ những vấn đề mà luật pháp đang còn những bất cập, khó khăn trong quá trình giải quyết, Nghị quyết đó nêu mấy vấn đề:
Một là cho phép các đơn vị hoặc là cho phép đối với TP Hồ Chí Minh làm thí điểm hoặc giải quyết một số vấn đề khó khăn là kiểm tra một người dương tính với chất ma túy, có thể đưa vào các trung tâm giáo dưỡng để trước mắt là cắt cơn cho người nghiện.
Thứ hai, dùng các biện pháp khoa học để giải độc cơ thể cho người nghiện.
Thứ ba, tư vấn tâm lý, trong khi chờ làm các thủ tục mà theo đánh giá của các cơ quan chức năng là khi làm các thủ tục đó để đưa ra được Tòa án có quyết định đưa đi tập trung cai nghiện bắt buộc thì phải một năm mới thực hiện được. Một năm chúng ta hình dung bao nhiêu con nghiện đó ngoài xã hội gây ra biết bao nhiêu hệ lụy. Mặt khác, chúng ta thấy rằng khi thực hiện vấn đề này có lợi cho người nghiện và đồng thời người nghiện được sống trong một môi trường an toàn, tránh xa những nơi cám dỗ mà người nghiện rất khó kiểm soát được. Làm được việc này, đó là việc làm cần thiết, nhân đạo, có trách nhiệm xã hội đối với người nghiện, đối với gia đình người nghiện và đối với mọi người khác trong xã hội được sống trong một môi trường an lành.
Xuân Phong (ghi) |
Thiện Thuật