Tuy nhiên, thời gian gần đây, điều làm du khách nhớ đến xã đảo này không phải là những địa danh tuyệt đẹp đó mà chính là vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt ở đây, làm giảm số lượng khách đến tham quan, du lịch. Phó Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng cho biết, trước thực trạng về rác thải và ô nhiễm môi trường, chính quyền xã đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng túi ni -lông, chai nhựa để hạn chế bớt số lượng rác thải tồn đọng, đồng thời xây dựng phương án thu gom rác thải trên địa bàn, trình UBND tỉnh phê duyệt. Cùng với đó là sự ra quân tích cực Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Nam nhằm hưởng ứng Chiến dịch “Hãy làm sạch biển - Nói không với rác thải nhựa” tại bãi biển Thuận An và trên nhiều tuyến đường liên thôn. Đoàn Thanh niên xã đã lên kế hoạch phát động phong trào cho thu gom và phân nguồn rác thải tại từng nhà. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, gần đây, lượng rác thải trên địa bàn xã đảo Tam Hải đã giảm đi đáng kể. Bãi biển được trả lại vẻ đẹp vốn có. Đời sống người dân cũng dần được cải thiện.
Điều đáng quan tâm là sau nhiều đợt ra quân dọn dẹp, rác thải lại xuất hiện tràn lan khắp bãi biển. Nguyên nhân là do vị trí của xã đảo Tam Hải nằm cuối con sông Trường Giang nên lượng rác thải từ thượng nguồn và đất liền cứ thế theo dòng nước trôi về, tấp vào ven bờ. Các loại rác từ bao ni-lông, thùng xốp, chai nhựa, ngư lưới cụ… trôi dạt trải dài dọc bãi biển đã biến nơi đây trở thành nơi hứng rác của khắp nơi dồn về, bốc mùi hôi thối, làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống cũng như việc khai thác thủy sản của người dân trong xã. Ông Huỳnh Trương Đông (thôn Thuận An, xã Tam Hải) cho hay, lúc trước, du khách về tham quan, vui chơi tắm biển tại đây rất đông. Nhờ đó, bà con trong vùng buôn bán rất thuận lợi. Thời gian gần đây, lượng du khách đã giảm đi đáng kể vì dọc các tuyến bờ biển và bờ sông, rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt nước, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường nặng.
Được biết, trung bình mỗi ngày, lượng rác tại xã đảo Tam Hải thải ra khoảng 6 tấn. Trong khi đó, điều kiện vận chuyển rác thải từ đảo vào đất liền rất tốn kém, khó khăn, người dân phải chất rác thành từng khối, chờ xử lý. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt kinh phí 4,5 tỷ đồng để xây dựng lò đốt rác thải tại đây nhưng chưa được sự đồng thuận vì người dân cho rằng vị trí lò đốt rác nằm quá gần khu dân cư. Ngoài ra, nếu xử lý không tốt, việc đốt rác có thể gây mùi hôi thối, đặc biệt là sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải, dù đã khảo sát nhiều lần nhưng chính quyền địa phương gặp khó trong việc chọn địa điểm xây dựng lò đốt có khoảng cách xa khu dân cư 500m như quy định của Bộ Y tế, vì địa bàn xã Tam Hải rất nhỏ, mật độ dân cư lại đông. Do đó, việc rác thải ngày càng ứ đọng đã làm cho cuộc sống của người dân trên đảo bị ảnh hưởng nặng. Lâu ngày thành quen, người dân tại đây đành phải chấp nhận sống chung với rác thải do chưa tìm ra phương án xử lý. Bộ mặt du lịch của xã Tam Hải cũng vì thế mà dần “mất điểm” trong mắt các du khách. Đây thực sự là một “bài toán khó” đối với chính quyền xã Tam Hải nếu muốn phát triển du lịch cũng như cải thiện tình hình vệ sinh môi trường cho người dân sinh sống tại nơi đây.
Bà Trần Thị An (trú tại thôn Thuận An, xã Tam Hải) chia sẻ, bà và gia đình thường xuyên vận động mọi người trong xóm nhất quyết không sử dụng túi ni-lông khi đi chợ. Thay vào đó, mỗi gia đình sẽ tự mang theo túi đựng, nhằm hạn chế bớt lượng rác thải nhựa trên địa bàn. Đây là việc làm trước mắt, góp một phần nhỏ vào việc thay đổi thói quen sử dụng túi, đồ nhựa dùng một lần của người dân trên địa bàn xã. Về lâu dài, chính quyền địa phương xã đảo Tam Hải cần có những giải pháp hữu hiệu, cùng với ý thức và sự chung tay của cộng đồng trong cuộc chiến ngăn chặn tình trạng rác thải ngày càng tăng nhanh như hiện nay, để giành lại vẻ đẹp vốn có của xã đảo Tam Hải, góp phần phát triển du lịch biển đảo quê hương.