Rau mứt - đặc sản tháng Giêng trên xã đảo Tam Hải

Trong những ngày không khí Tết vẫn còn chưa vơi, về với thôn Thuận An, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), người dân vui hơn bởi vụ rau mứt đang vào cuối mùa. Vừa là một món ăn ngon, vừa là một đặc sản cho thu nhập cao nên hầu như ai ai ở xã đảo này cũng mong chờ và cả nhà đều đi hái rau mứt.


Loại rau “kiên cường” bám mình trên đá...


Rau mứt là một loại rong chọn thời điểm đầy bão tố, đầy sóng to gió lớn, đầy cái lạnh toát lên từ biển để mà bắt đầu cuộc sinh tồn, để mà dâng hiến cho người dân biển Tam Hải thêm một niềm vui, thêm một nốt sáng giữa cuộc sống còn nhiều cơ cực.


Một góc ghềnh đá Bàn Than, nơi rau mứt sinh sôi


Mùa rau mứt bắt đầu từ tháng 10 âm lịch kéo dài cho đến hết tháng Giêng năm sau. Đôi lúc, tôi chợt nghĩ loài rong này sao giống với con người Tam Hải, những con người Quảng Nam nói riêng và những con người miền Trung nói chung. Trong lúc tưởng chừng như khắc nghiệt nhất, lại xuất hiện và vươn lên, lại khẳng định một giá trị tuyệt vời mà qua bao nhiêu năm tháng vẫn còn đó.


Đầu tháng Giêng, rau mứt đã không còn nhiều nữa, tôi về Tam Hải lại đang lúc giữa trưa, cuộc hành trình không cho tôi nhiều thời gian để có thể ở lại lâu hơn với vùng quê biển thơ mộng và đầy thú vị này. Tuy vậy, trong những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, tôi đã gặp trên bãi biển Tam Hải, trên ghềnh đá Bàn Than, cụ bà Lê Thị Em đang hái rau mứt. Tấm lưng còng của cụ như còng hơn dưới cái nắng đã bắt đầu rát rạt của biển. Với cái rổ trên tay, cụ dò dẫm từng bước ra những ghềnh đá ven bờ còn những đám rau mứt vẫn kiên trì sót lại sau một mùa đông và sau biết bao cuộc tìm kiếm, hái bắt của con người. Cụ Em chia sẻ: "Năm ni tui đã 83 tuổi rồi nhưng mùa rau mứt nào cũng đều đi kiếm rau. Lúc nhiều thì thanh niên, đàn bà con gái đã thi nhau cào hết rồi, chừ tui chỉ mót lại, để dành về nấu canh, nhiều thì bán kiếm thêm ít tiền. Dọc theo bờ biển mỗi ngày cũng có vài chục lượt người hái rau mứt. Cuối mùa nên chủ yếu là trẻ con và người già thôi". Nói rồi, cụ lại vừa quệt mồ hôi trên trán, vừa cúi xuống sát mép đá trươn trượt mà hái rau mứt. Mồ hôi cũng đã thấm đều trên lưng áo cụ.


Cụ Lê Thị Em đang hái rau mứt.


May mắn cho tôi là vào nhà anh vợ của một người bạn thơ vong niên gần đó, được ăn một bát canh rau mứt với cá biển. Khi chúng tôi đến nhà, ông Huỳnh Đức Vĩnh đang miệt mài bên trang giấy học sinh để soạn lại các tích Nghêu Sò Ốc Hến và tiểu phẩm cho ngày Lệ xóm 20 tháng Giêng sắp tới. Khi biết chúng tôi có ý định dạo chơi Bàn Than, ông nhận lời làm hướng dẫn viên một cách rất hồ hởi và thân tình. Ông bảo: “Chú em không biết đó thôi. Canh rau mứt là một trong những đặc sản, cũng là niềm tự hào của dân biển Tam Hải bọn tui đó”. Trong cuộc nói chuyện, xen lẫn những câu thơ, những bài hát, ông không ngớt lời thuyết minh về loại rau đặc biệt này ở Tam Hải. Nghe ông kể thì loại rau này nấu với gì cũng ngon, từ thịt gà, đến thịt bò, đến cá biển, các loại xương. Đến tháng 10 âm lịch, người dân lại háo hức để đi cào rau mứt. Lăn lộn trên các ghềnh đá, giữa gió và sóng lớn, cuộc mưu sinh đầy niềm vui nhưng cũng rất mạo hiểm của dân biển Tam Hải với rau mứt lại bắt đầu.


... và cho thu nhập cao


Rau mứt hái về, phơi vài nắng trên vỉ cho khô rồi xếp làm bó, đem cất. Loại rau này hiện nay trên thị trường rất được giá, nếu bán ký thì khoảng từ 600.000 đến 700.000/ký. Bán theo một chục 12 bó thì khoảng 150.000 - 200.000/1 chục. Trong những ngày biển động, tàu không thể ra khơi, việc biển không thuận lợi, rau mứt mọc lên, đem lại niềm hy vọng mới cho những người dân Tam Hải nơi đây. Nói đến đây, ông Vĩnh dừng lại, vừa cười vừa nói: “Trời có sinh thì có dưỡng phải không chú em?”. Tôi mỉm cười. Quả thật, tự nhiên rất công bằng và ưu ái nếu con người biết sống vừa phải, không tham lam, không vô tình với chính môi trường mình đang sống. Cho dù miền núi, đồng bằng hay hải đảo, mỗi mùa tự nhiên đều đã có những thức nuôi sống con người. Cơn thịnh nộ chỉ đến khi con người tàn phá hết thiên nhiên để mưu cầu những cuồng vọng của chính mình.


Bát canh rau mứt ngon ngọt, giòn, dai, được người dân xã đảo Tam Hải mời khách.


Cuộc vui càng vui hơn khi ông Vĩnh bưng lên mời chúng tôi mấy bát canh rau mứt nấu với một loài cá biển mà tôi không rõ tên. Công nhận người dân nơi đây gọi canh rau mứt là đặc sản không phải là không có lý. Chỉ cần ngậm một muỗng canh vào miệng đã có cảm giác rất khác so với các loại canh khác. Canh rau mứt vừa dai, vừa giòn, càng nhai càng thấy dư vị thấm sâu vào. Các loại canh khác nhai hay không nhai, độ thấm, độ cảm nhận cũng không khác mấy. Nhiều loại canh không cần nhai. Nhưng canh rau mứt buộc người ăn phải nhai, càng nhai từ từ lại càng cảm thấy thú vị, càng thấm cái vị của biển, của lòng người hơn. Nhấm nháp nó với ly rượu ngâm bào ngư và cá ngựa do chính những người dân đi biển đem về, lại càng thấy thêm mến, thêm thương vùng quê này, càng thấy rau mứt gần gũi biết bao.


Nghe đâu loại rau mứt này nhiều năm nay đã vượt trùng dương qua tới tận nửa vòng bên kia trái đất. Những người con Núi Thành (Quảng Nam) và cả những người con đất miền Trung khác vì những lý do khác nhau phải lìa xa quê cha đất tổ nhưng vẫn mang trong tâm khảm hình ảnh cây rau mứt, mang theo hương vị dân dã mà đậm đà của bát canh rau mứt. Rồi trong những lần may mắn được trở về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn, hành trang mang theo của họ lúc nào cũng có rau mứt khô. Sang lại bên nơi mình mưu sinh, họ đem rau mứt mà cũng là đem một nét văn hóa ẩm thực tiêu biểu của miền Trung Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế. Thành ra, Việt kiều và cả khách nước ngoài nhiều lúc cứ hỏi về rau mứt với một niềm mến yêu thật sự. Điều ấy vui biết bao!



Bài và ảnh:Thành Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN