Nhân ngày truyền thống phòng chống thiên tai Việt Nam 22/5:

Bài học từ vụ sạt lở đất, lũ quét tại Yên Bái

Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình, địa chất phức tạp, nhiều khu vực núi cao chia cắt; hệ thống sông suối có độ dốc lớn, vật cản đa dạng, khi xảy ra mưa lớn thì tạo dòng xảy siết, đột ngột, trong khi diễn biến thời tiết, mưa lũ ngày càng cực đoan, phức tạp.

Các lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục hậu quả của lũ quét, chiều 3/8/2017, tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Do địa hình, địa chất như vậy, trong năm qua, Yên Bái đã xảy ra 21 đợt thiên tai làm 53 người chết và mất tích, 33 người bị thương, hư hỏng 3.649 căn nhà, thiệt hại 5.547 ha sản xuất nghiệp, hơn 23 nghìn con gia súc, gia cầm, phá huỷ trên 500 công trình hạ tầng kỹ thuật...Tổng thiệt hại ước tỉnh khoảng 1.855 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy lũ quét, sạt lở đất có mức độ tàn phá hết sức khốc liệt gây hậu quả nghiêm trọng về sinh mạng cũng như công trình hạ tầng, công trình dân dụng, phá huỷ ruộng đất canh tác, rừng và môi trường sinh thái. Đặc biệt khi lũ quét xảy ra tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế kém phát triển, đời sống khó khăn thì tính chất khốc liệt được nhân lên gấp bội.

Nhận diện nguyên nhân

Theo thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, địa bàn tỉnh có địa hình phức tạp, nhiều khu vực có núi cao, độ dốc lớn, chủ yếu tập trung ở các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ. Hệ thống sông suối có độ dốc lớn, lưu lượng nước chảy siết, vật cản đa dạng, khi xảy ra mưa lũ thì dòng chảy siết, đột ngột. Từ đặc điểm đó gây khó khăn cho việc cơ động lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi xảy ra mưa bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá trên các khu vực.

Đối với lũ quét, sạt lở đất việc cảnh báo sớm rất khó khăn do thiếu tin quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm về thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất làm cơ sở để xây dựng phương án ứng phó phù hợp, nhất là việc di dân khỏi những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất. Các thông tin dự báo, cảnh báo chưa được phổ biến kịp thời, sâu rộng đến toàn thể người dân nhất là với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; nơi các phương tiện truyền thông còn hạn chế, hoạt động của chính quyền cơ sở trong công tác ứng phó thiên tai còn chưa thường xuyên.

Công tác chỉ huy, chỉ đạo điều hành có lúc chưa được tập trung, thống nhất. Việc phối hợp hiệp đồng giữa các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng có lúc, có thời điểm chưa thực sự chặt chẽ. Báo cáo về tình hình thiên tai ở các cấp còn chậm chưa đáp ứng được về nội dung và tiến độ để phục vụ cho công tác chỉ huy chỉ đạo ứng phó kịp thời. Thiếu các phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Hệ thống thông tin liên lạc ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa còn thiếu hoặc không đảm bảo. Khi lũ quét, sạt lở đất xảy ra thường bị mất liên lạc nên công tác cập nhật tình hình thiên tai và chỉ đạo của cấp trên đến các địa phương và ngược lại gặp nhiều khó khăn, gián đoạn không kịp thời. Vì vậy phải tăng cường trang sắm trang thiết bị thông tin liên lạc, đối với tỉnh Yên Bái đã được trang bị 4 thiết bị điện thoại vệ tinh Inmarsat được đặt tại Trung tâm điều hành - Viễn thông Yên Bái, Trung tâm Viễn thông Lục Yên, Văn Yên và Miền Tây; đây là thiết bị điện thoại vệ tinh cầm tay nhỏ gọn làm việc trên toàn cầu với các dịch vụ cơ bản là thoại, tin nhắn và gửi nhận email ( là 2 kênh liên lạc vẫn có thể sử dụng tốt khi toàn bộ mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh mất liên lạc).

Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và hỗ trợ, khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất còn bị động và còn rất hạn chế, nên công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân ở một số nơi còn chậm và hiệu quả chưa cao. Thiếu quỹ đất ở an toàn (gắn với quỹ đất sản xuất) và thiếu nguồn lực để tổ chức di dân ở vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhất là tại các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu nguồn lực đầu tư khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội bị hư hỏng do thiên tai.

Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái thì cho rằng, tỉnh đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên, liên tục có các văn bản chỉ đạo trước, trong và sau mỗi đợt thiên tai chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh để có các giải pháp phù hợp, ứng phó kịp thời với những tác động ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết cực đoan. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các địa phương cũng đã làm tốt công tác thông báo, dự báo, cảnh báo các diễn biến bất thường cũng như các nguy cơ có thể xảy ra do ảnh hưởng của thiên tai cũng như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…

Chính nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, nên đã có những giải pháp chủ động ứng phó cũng như có các giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của thiên tai. Mỗi khi có ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, lãnh đão Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đều trực tiếp có mặt tại hiện trường để kiểm tra, chỉ đạo khắc phục cũng như có các giải pháp sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất của nhân dân. Đồng thời kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ, nhất là sau các đợt lũ ống, lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ.

Tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”, trong đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bao gồm cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc để cùng khắc phục hậu quả thiên tai. Vai trò nổi bật của cấp ủy, chính quyền cơ sở - nơi trực tiếp gần dân nhất và là lực lượng đầu tiên tham gia công tác xử lý và khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ. Ước tính trong năm 2017, tỉnh đã huy động khoảng 10 ngàn lượt người với hàng nghìn lượt phương tiện, máy móc, ô tô, xe máy để tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

"Yên Bái đã thực hiện khẩn trương, quyết liệt các biện pháp để khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó ưu tiên số 1 là công tác tìm kiếm cứu nạn, tiếp đến là các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Sau đó là các giải pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, giữ vững an ninh trật tự tại các khu vực xảy ra bão lũ; các giải pháp khôi phục sản xuất trên các diện tích bị ảnh hưởng, ổn định đời sống nhân dân; rồi khắc phục, sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi, công trình dân dụng bị hư hỏng sau mưa bão. Chúng ta đã làm rất quyết liệt, kịp thời, được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đánh giá rất tích cực". Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Cũng chính nhờ làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, Yên Bái đã nhận được rất nhiều sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo rất kịp thời và thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước chung tay cùng hỗ trợ, giúp đỡ Yên Bái khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Tranh thủ huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư khắc phục hậu quả thiên tai, năm 2017 tỉnh đã huy động các nguồn lực được 404 tỷ đồng, trong đó 235 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và 124 tỷ đồng là các nguồn hỗ trợ của các tổ chức doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và cá nhân trên cả nước giúp chúng ta khắc phục hậu quả thiên tai.


Đề xuất các giải pháp

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng, để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống, tái thiết sau thiên tai cần sớm hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án nghiên cứu tổng thể thực trạng biến đổi khí hậu, đề ra giải pháp phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trước mắt và lâu dài tại các khu vực miền núi phía Bắc trong đó có tỉnh Yên Bái.

Tỉnh Yên Bái đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo việc nâng cao độ chính xác bản đồ sạt lở đất đá để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai. Đầu tư trang bị hệ thống thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cho các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; đầu tư, trang bị bổ sung các phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai cho các lực lượng: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Chỉ huy quân sự, Công an (xe chuyên dùng, xuồng máy, máy bay không người lái...).

Đẩy nhanh việc thực hiện dự án và phân bổ kinh phí di dời dân cư khẩn cấp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2017, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1588/TTg-NN ngày 16/10/2017 để các địa phương thực hiện việc di dời khẩn cấp người dân khỏi các khu vực nguy hiểm trước mùa mưa lũ 2018. Cân đối nguồn vốn hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2017 khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng, nhất là các công trình kè sông, suối, công trình giao thông, công trình thuỷ lợi. Ưu tiên tăng tỷ lệ phân bổ nguồn vốn bảo trì đường bộ cho các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức, bộ máy phòng chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách, không phát sinh biên chế; có cơ chế, chính sách đặc thù đối với lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai. Điều chỉnh các quy định, chính sách hỗ trợ khẩn cấp sau thiên tai đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về thiên tai trên phạm vi toàn quốc; hướng dẫn xây dựng Văn phòng thường trực cấp tỉnh (kết nối họp trực tuyến với Văn phòng Trung ương, đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành, xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch công tác năm...).

Thắng Trung (TTXVN)
Lai Châu khẩn trương di dời 23 hộ dân khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét
Lai Châu khẩn trương di dời 23 hộ dân khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét

Nhận được tờ trình đề nghị di chuyển 23 hộ dân xã Nậm Pì ra khỏi khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, huyện Nậm Nhùn đã cho khảo sát, thiết kế, đến nay địa điểm mới đang tiến hành san gạt mặt bằng, chia lô để người dân bốc thăm lô đất, mỗi hộ gia đình 320 m2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN