Bài học quản lý từ vụ cắt hợp đồng 214 giáo viên

Sau huyện Yên Phong (Bắc Ninh), những sai phạm điển hình của huyện Kỳ Anh (cũ) tiếp tục gióng lên tiếng chuông về việc không tuân thủ nghiêm các quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức, hợp đồng lao động ở nhiều địa phương. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.


Trong 5 năm (từ năm 2010 đến nay), huyện Kỳ Anh (cũ), tỉnh Hà Tĩnh mới tổ chức tuyển dụng một lần được 27/99 chỉ tiêu giáo viên văn hóa tiểu học. Số giáo viên văn hóa bậc tiểu học và một số bộ môn THCS còn thiếu so với kế hoạch UBND tỉnh giao nhưng huyện không tổ chức thi tuyển, xét tuyển mà lại ký hợp đồng làm nhiệm vụ giảng dạy và phục vụ giảng dạy với 214 người.

Trong số này, 205 lao động hợp đồng có quyết định của UBND huyện, 4 người chỉ có công văn của UBND huyện, 5 người chỉ có thông báo, danh sách của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Số lao động không có bản hợp đồng được ký kết giữa người sử dụng lao động và người lao động chiếm tới gần một nửa: 104 người.

122 người không được tham gia bảo hiểm xã hội. Một số bộ môn ở bậc học THCS đang dôi dư giáo viên nhưng UBND huyện vẫn quyết định cho ký hợp đồng.

* Huyện Kỳ Anh (cũ) có chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng viên chức giáo viên, chỉ ký hợp đồng lao động, theo ông nguyên nhân vì sao?

Tôi nghĩ các đơn vị, cơ quan được giao thẩm quyền tuyển dụng giáo viên chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong công việc tổ chức tuyển dụng theo quy định hàng năm. Thứ hai cũng có thể do các đơn vị suy nghĩ hợp đồng hơn là tuyển dụng bởi như thế sẽ tiết kiệm được phần kinh phí chi thường xuyên để phục vụ cho các hoạt động khác.

Bộ Nội vụ không đồng tình với quan điểm này bởi như thế sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên vì khi ký hợp đồng lao động sẽ không đảm bảo được chế độ tiền lương trả cho họ. Nếu đã tuyển dụng, chế độ, chính sách, đặc biệt là tiền lương đãi ngộ đối với mỗi giáo viên sẽ được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

* Nhiều người vẫn nghi ngại rằng mặc dù đã cống hiến 5-10 năm nhưng rất có thể khi thi tuyển các giáo viên này sẽ không đáp ứng yêu cầu nào đó ngoài chuyên môn nghiệp vụ, vậy có nên có một sự đặc cách, thưa ông?


Việc tuyển phải thông qua kỳ thi theo quy định của Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Các trường hợp đặc cách phải được xem xét. Những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu công việc, đã có kinh nghiệm trong thực tiễn và thời gian ký hợp đồng lao động làm việc tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có thể xem xét xét tuyển đặc cách không qua kỳ thi.

* Thời gian qua, tại một số cơ quan, đơn vị, việc xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân không rõ ràng nên trách nhiệm cá nhân hòa với trách nhiệm tập thể, cá nhân lợi dụng cơ chế để đẩy sang trách nhiệm tập thể. Vậy thưa ông, sự việc này có thể xác định được sai phạm thuộc về trách nhiệm của cơ quan, cá nhân nào và cần phải xử lý như thế nào cho đúng với quy định của pháp luật?

Việc này phải căn cứ vào phân cấp tuyển dụng cho đơn vị, cho cấp nào. Khi xét thấy đơn vị đó, cấp đó chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao, chưa hết thẩm quyền của mình sẽ kiểm điểm. Trong cơ quan UBND huyện có hai cơ chế, một là cơ chế lãnh đạo của tập thể ủy ban, bên cạnh đó là cơ chế của người đứng đầu - Chủ tịch UBND. Khi xem xét phải căn cứ vào phân công, phân cấp đối với ủy ban, người đứng đầu để xem xét.

* Trước Hà Tĩnh, Bắc Ninh cũng xảy ra trường hợp tương tự, vậy qua các sự việc trên, có phần trách nhiệm nào thuộc về Bộ Nội vụ?

Trong quá trình triển khai việc xây dựng và quản lý đội ngũ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã cùng với các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quy định hoặc hướng dẫn thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ công chức, viên chức, đảm bảo thống nhất trong phạm vi cả nước. Bộ thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra để xem xét việc thực hiện các quy định đó có nghiêm túc không và kịp thời uốn nắn hoặc nhắc nhở, xử lý nếu có vi phạm.

Vì thế, thông qua vụ việc ở Bắc Ninh hay ở Hà Nội, Hà Tĩnh, chúng tôi nghĩ là phải xem xét bổ sung thêm các quy định. Ví dụ như đã đẩy mạnh phân cấp sẽ phải có biện pháp xử lý cụ thể, quy định trách nhiệm rõ ràng hơn khi không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao.

Nhiều khi phân cấp nhưng việc xử lý đối với các cấp đã được giao thẩm quyền cũng chưa được quy định cụ thể. Thứ hai là cần phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra để bảo thống nhất sự quản lý của Chính phủ trong quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức nói chung, cũng như đội ngũ giáo viên nói riêng.

* Làm thế nào để hạn chế tiêu cực phát sinh, tránh việc quy trách nhiệm không rõ ràng, không đủ mạnh, loại bỏ những người làm việc lâu năm, tuyển dụng những người mới không phải từ thực tài, thưa ông?


Các bộ, ngành, địa phương cần phải tăng cường các giải pháp phòng chống tiêu cực trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ công chức như là Chỉ thị 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua, khen thưởng, thực hiện nghiêm các công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo tính công khai và minh bạch trong quá trình tuyển dụng viên chức, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, người được giao thẩm quyền tuyển dụng trong việc triển khai tổ chức tuyển dụng. Nếu có sai phạm, có vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm túc. Tất cả các công đoạn, quy trình tuyển dụng phải làm theo đúng các quy định của pháp luật.

* Sau sự việc ở Bắc Ninh, Bộ Nội vụ nói sẽ rà soát lại việc chấm dứt hợp đồng lao động, tiến hành tuyển dụng viên chức ở các địa phương, đã qua hơn 1 năm, việc này đã được thực hiện như thế nào?

Sau vụ việc Bắc Ninh, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi cho các bộ, ngành, địa phương yêu cầu việc tuyển dụng viên chức phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, không thực hiện ký hợp đồng lao động để làm công tác chuyên môn.

Đối với các trường hợp đã ký hợp đồng làm công tác chuyên môn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt, các địa phương phải khẩn trương tổ chức ngay các kỳ thi tuyển viên chức theo quy định của pháp luật; đồng thời cũng phải đảm bảo chế độ, chính sách cho đội ngũ viên chức. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đã tiến hành rất nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, để một mặt hướng dẫn nhưng mặt khác là đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

* Bộ Nội vụ có kiểm tra, giám sát những kỳ tuyển dụng như vậy?


Các kỳ tuyển dụng Bộ Nội vụ vẫn có các đoàn thanh tra theo kế hoạch và thanh tra hàng năm. Bên cạnh đó, các vụ chức năng của Bộ cũng kiểm tra tình hình và khi phát hiện sai phạm đều có kiến nghị để kịp thời uốn nắn hoặc xử lý.

* Thưa ông, sau Bắc Ninh, sự việc ở Hà Tĩnh tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong công tác tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động hiện nay. Ngay sau câu chuyện của Hà Tĩnh, Bộ Nội vụ sẽ làm gì?

Ngay sau câu chuyện của Hà Tĩnh, tôi nghĩ phải tăng cường hơn công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp có thẩm quyền, kể cả Bộ Nội vụ cũng như UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với vụ việc đã có sai phạm, cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để đảm bảo trách nhiệm của người đứng đầu cũng như trách nhiệm của cơ quan được giao thẩm quyền tuyển dụng viên chức.

* Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Chu Thanh Vân (thực hiện)
Cần hướng tạo việc làm cho 214 giáo viên Kỳ Anh, Hà Tĩnh
Cần hướng tạo việc làm cho 214 giáo viên Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Ngày 26/10, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và đoàn công tác Bộ Nội vụ đã làm việc với tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cùng các cơ quan chức năng để giải quyết, xử lý việc chấm dứt hợp đồng đối với 214 giáo viên ở huyện Kỳ Anh cũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN