Cây “ATM gạo” được đặt trên vỉa hè phía gần cổng công viên Võ Văn Tần, thị trấn Đức Hòa, gần đường, đủ chỗ để mọi người dựng xe và xếp hàng. Khoảng 7-8 giờ và 10 - 11 giờ 30 là thời gian nhiều người đến lấy gạo, đa số là người nghèo. Họ lần lượt rửa tay, xếp hàng, giãn cách 2m để đảm bảo an toàn. Mỗi người lấy gạo chỉ mất khoảng 30 giây, nên không ai phải chờ lâu.
Chủ tịch UBND thị trấn Đức Hòa Lê Thành Phong cho biết, từ lúc dịch COVID-19 gây khó khăn cho cuộc sống nhiều người dân nghèo, UBND thị trấn cùng các mạnh thường quân đã có rất nhiều hoạt động hỗ trợ những người dân gặp khó khăn. Sau đó, chính quyền đã nghĩ làm sao sự hỗ trợ đến với người nghèo rộng rãi và đều đặn hơn. Doanh nghiệp của anh Châu Ngọc cùng những người bạn đã quyết định mua công nghệ cây “ATM gạo” từ Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng chi phí là 30 triệu đồng.
“Từ lúc hoạt động, người dân tự nguyện đến hỗ trợ tiền, gạo rất nhiều, lượng gạo ngày càng tăng lên. Chúng tôi dự kiến, gạo có thể đủ phát cho người dân hơn 30 ngày và sẽ phát đến khi hết gạo sẽ thông báo cho người dân trước 3 ngày” – ông Phong cho hay.
Ông Lê Thành Phong cho biết thêm, địa bàn thị trấn Đức Hòa chỉ có 15 hộ nghèo và 54 hộ cận nghèo, nhưng dân tạm trú để làm ăn ở thị trấn và các xã lân cận rất đông. Cây “ATM gạo” này không phân biệt người trên địa bàn hay không, bất kỳ người khó khăn nào có nhu cầu đều được “ATM gạo” tặng mỗi người 2kg/ngày nếu họ đến lấy. Kể cả những công nhân còn khó khăn, đi làm về cũng có thể ghé lấy gạo. "Ban đầu, chúng tôi cài đặt máy 2 phút nhả gạo 1 lần, nhưng sau đó cài đặt máy nhả gạo ngay khi bấm nút, để bà con không phải chờ lâu", theo ông Phong.
Bắt đầu hoạt động từ ngày 16/4, sau một ngày, “ATM gạo” ở thị trấn Đức Hòa đã phát hơn 600 phần cho người dân, tổng cộng hơn 1,2 tấn gạo. Máy hoạt động mỗi ngày từ 7 giờ, với sự hỗ trợ của lực lượng thanh niên, dân quân, người dân đến nhận gạo trật tự và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Người đến nhận gạo nhiều, người đến góp gạo, tiền cũng không ít.
Anh Châu Ngọc, 38 tuổi, người lắp máy “ATM gạo” và tổ chức kêu gọi anh em, bạn bè cùng hỗ trợ cho biết: “Chúng tôi rất vui vì được sự đón nhận của bà con, cũng như sự chia sẻ tiền và gạo một cách tự nguyện của người có cho người khó. Chúng tôi đang xem xét để lắp đặt thêm hai cây “ATM gạo” tại các xã Mỹ Hạnh và Hòa Khánh, huyện Đức Hòa, giúp bà con khó khăn các nơi dễ dàng nhận được sự hỗ trợ”.
Chị Nguyễn Thị Đẹp (thị trấn Đức Hòa) cho biết, nhà chị có 4 người (chị với mẹ già và hai đứa con nhỏ đi học lớp 6 và học lớp 8). Bình thường, thu nhập chính do chị đi bán vé số, khi mọi việc ngưng hoạt động, gia đình không có thu nhập. Được hỗ trợ gạo, chị Đẹp cảm thấy rất vui và cảm động vì gia đình chị từ nay không phải ăn mỳ sợi qua ngày nữa. Cùng hoàn cảnh bán vé số nay bị thất nghiệp không đủ ăn, bà Thi Thị Mến cho biết, dù thiếu ăn nhưng bà cũng chỉ lấy đủ cho gia đình dùng, còn để phần cho những người khó khăn khác.
Cây “ATM gạo” cho người nghèo đầu tiên của Long An đang giúp hàng ngàn người nghèo vượt qua khó khăn mùa dịch COVID-19, góp phần lan tỏa yêu thương đến tất cả vùng miền trong cả nước, cho thấy truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam “lá lành đùm lá rách”.