Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2013: Cứ 3 phụ nữ trên thế giới thì có một người là nạn nhân của bạo hành gia đình, đa số là phụ nữ châu Á và Trung Đông. Tại Việt Nam, tình hình bạo lực gia đình đang ở mức đáng báo động: 58% phụ nữ đã từng là nạn nhân của ít nhất một trong ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng là bạo hành thể xác, tình dục và tinh thần. Điều đáng ngại hơn, một nửa trong số nạn nhân này chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng.
Theo kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy: có tới 32% phụ nữ đã từng kết hôn phải hứng chịu bạo lực thể xác trong đời sống gia đình. Đồng thời trên hơn nửa phụ nữ Việt Nam đã phải hứng chịu bạo lực tinh thần trong đời. Trong đó tỷ lệ bị bạo lực đối với phụ nữ đã kết hôn là 9%. Cứ 10 cặp vợ chồng thì có một cặp từng trải qua các hình thức bạo lực nghiêm trọng nhất. Phụ nữ thường là đối tượng của bạo lực. Cũng theo nghiên cứu của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy: 2,3% hộ được phỏng vấn báo cáo có bạo lực về thể chất, 25% có bạo lực tinh thần, 30% có bạo lực tình dục.
Có tới 32% phụ nữ Việt Nam đã từng kết hôn phải hứng chịu bạo lực thể xác trong đời sống gia đình. |
Việt Nam chịu ảnh hưởng của chế độ nho giáo và văn hóa Đông Nam Á, vì vậy nhiều người còn cho rằng việc người phụ nữ, trẻ em gái thậm chí kể cả nam giới bị bạo lực mà không thông báo là bình thường, việc kể chuyện, thông báo với người ngoài về việc này được coi là "vạch áo cho người xem lưng". Vì vậy, có những vụ việc thương tâm liên quan đến bạo lực gia đình đã xảy ra ở nhiều nơi trên đất nước ta, gây phẫn nộ trong dư luận. Ví dụ như vụ việc đôi vợ chồng đánh đập dã man con gái 4 tuổi tại Dĩ An- Bình Dương; chồng đánh vợ gãy tứ chi do mâu thuẫn gia đình ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế hay hàng ngàn vụ bạo lực khác diễn ra ngày càng gia tăng về mức độ nghiêm trọng. Đã đến lúc xã hội phải coi huyện bạo lực không còn là chuyện của riêng mỗi người, mỗi nhà mà đã cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng này.
Bạo lực gia đình theo định nghĩa của Liên hợp quốc là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Trong đó phụ nữ, trẻ em gái là những đối tượng chính của bạo lực gia đình. Bạo lực đối với phụ nữ là một vấn đề mang tính toàn cầu, dẫn đến sự suy giảm về sức khỏe, thiệt hại về tài sản, mất mát về thu nhập và đổ vỡ về gia đình…Ngân hàng Thế giới đã thống kê phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44 có nguy cơ là nạn nhân của bạo lực gia đình và hiếp dâm cao hơn so với tai nạn giao thông, ung thư và bệnh sốt rét. Tuy nhiên cũng có đến 71% nam giới cũng bị ảnh hưởng của bạo lực gia đình, chủ yếu là loại bạo lực về tinh thần, tâm lý tình cảm.
Bạo lực gia đình từ lâu đã và đang trở thành vấn đề xã hội nhức nhối, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà trước hết là vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. Việc ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi nạn bạo lực đối với phụ nữ không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam mà cả các quốc gia trên thế giới. Trên nhiều diễn đàn quốc tế, vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ đã được chính phủ các nước nhìn nhận như một sự vi phạm nhân phẩm con người, vi phạm Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Trong đó Việt Nam là một trong số các quốc gia có cam kết mạnh mẽ và sớm phê chuẩn công ước này.
Năm nay, chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình có chủ đề “Đừng vung tay, hãy cầm tay” như lời nhắc nhở, như lời yêu cầu tha thiết về sự chia sẻ và đoàn kết trong các gia đình để đẩy lùi bạo hành. Điều này không chỉ đơn thuần là để xây dựng gia đình không bạo lực và bất bình đẳng giới mà còn có ý nghĩa to lớn hơn, cao đẹp hơn là xây dựng đất nước ta giàu mạnh, hạnh phúc mà nền móng gia đình hạnh phúc, tế bào lành mạnh và tổ ấm của mỗi người Việt Nam...
Nguyễn Nhiên