Nghị định nêu rõ, nội dung quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm: Quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình; Quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình; Quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình; Quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình; Quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình thi công xây dựng; Quản lý các nội dung khác theo quy định của hợp đồng xây dựng.
Trình tự quản lý thi công xây dựng công trình
Theo Nghị định, trình tự quản lý thi công xây dựng công trình như sau:
1- Tiếp nhận mặt bằng thi công xây dựng; thực hiện việc quản lý công trường xây dựng.
2- Quản lý vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng.
3- Quản lý thi công xây dựng công trình của nhà thầu.
4- Giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư, kiểm tra và nghiệm thu công việc xây dựng trong quá trình thi công xây dựng công trình.
5- Giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình.
6- Thí nghiệm đối chứng, thử nghiệm khả năng chịu lực của kết cấu công trình và kiểm định xây dựng trong quá trình thi công xây dựng công trình.
7- Nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng, bộ phận công trình xây dựng (nếu có).
8- Nghiệm thu hạng mục công trình, công trình hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng.
9- Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có).
10- Lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình.
11- Hoàn trả mặt bằng.
12- Bàn giao công trình xây dựng.
Nghị định nêu rõ, nhà thầu thi công xây dựng tiếp nhận, quản lý mặt bằng xây dựng, bảo quản mốc định vị và mốc giới công trình, quản lý công trường xây dựng theo quy định.
Nhà thầu thi công xây dựng xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; thi công xây dựng theo đúng hợp đồng xây dựng, giấy phép xây dựng (nếu có), thiết kế xây dựng công trình.
Nhà thầu thi công xây dựng kịp thời thông báo cho chủ đầu tư nếu phát hiện sai khác giữa hồ sơ thiết kế, hợp đồng xây dựng so với điều kiện thực tế trong quá trình thi công; kiểm soát chất lượng thi công xây dựng do mình thực hiện theo yêu cầu của thiết kế và quy định của hợp đồng xây dựng. Hồ sơ quản lý chất lượng của các công việc xây dựng phải phù hợp với thời gian thực hiện thực tế tại công trường.
Một trách nhiệm nữa của nhà thầu là dừng thi công xây dựng đối với công việc xây dựng, bộ phận, hạng mục công trình khi phát hiện có sai sót, khiếm khuyết về chất lượng hoặc xảy ra sự cố công trình, khắc phục các sai sót, khiếm khuyết, sự cố này; dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công; khắc phục hậu quả tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra trong quá trình thi công xây dựng công trình.
Nhà thầu thi công xây dựng thực hiện trắc đạc, quan trắc công trình theo yêu cầu thiết kế. Thực hiện thí nghiệm, kiểm tra chạy thử đơn động và chạy thử liên động theo kế hoạch trước khi đề nghị nghiệm thu…
Giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng
Nghị định nêu rõ, Giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng bao gồm các hình thức sau: Giải thưởng quốc gia về chất lượng công trình xây dựng; Giải thưởng công trình xây dựng chất lượng cao và các giải thưởng chất lượng khác.
Các nhà thầu đạt giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng được xem xét ưu tiên khi tham gia đấu thầu trong hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Giải thưởng được làm căn cứ để xem xét ưu tiên cho nhà thầu là các giải thưởng mà nhà thầu đạt được trong thời gian 3 năm gần nhất tính đến khi đăng ký tham gia dự thầu. Chủ đầu tư có trách nhiệm quy định nội dung nêu trên trong hồ sơ mời thầu.
Bộ Xây dựng tổ chức và xét duyệt giải thưởng chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại khoản 4 Điều 162 Luật số 50/2014/QH13.