Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực từ năm 2021 đã bổ sung mức phạt từ 30-50 triệu đồng với hành vi không báo cáo công tác cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về cơ quan phê duyệt phương án và cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương theo quy định; không báo cáo cơ quan phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp có sự điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Số tiền phạt từ 100-120 triệu đồng nếu thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ một trong các hạng mục công việc phải thực hiện trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; 150-200 triệu đồng nếu không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không lập lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định, trừ trường hợp thuộc đối tượng phải lập lại báo đánh giá tác động môi trường.
Bên cạnh đó, hành vi vi phạm trong trường hợp trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc để thử nghiệm sẽ bị phạt từ 130-150 triệu đồng nếu không có kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường hoặc lưu giữ tại khu vực không đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định.
Hành vi không có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu theo quy định; không xử lý tạp chất đi kèm phế liệu hoặc không chuyển giao tạp chất cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định bị phạt tiền từ 150-170 triệu đồng; nhập khẩu phế liệu không đúng chủng loại trong Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 25 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP bị phạt tiền từ 230 triệu đồng đến 250 triệu đồng
Số tiền phạt từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng nếu nhập khẩu, quá cảnh phế liệu có chứa chất phóng xạ; nhập khẩu phế liệu không thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép nhập khẩu phế liệu để thử nghiệm làm nguyên liệu sản xuất và các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường gồm vi phạm các quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và đề án bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm môi trường; vi phạm các quy định về quản lý chất thải, về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung. Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chế phẩm sinh học; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường…
Trong đó, cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh doanh và dịch vụ tập trung, làng nghề và khu nuôi trồng thủy sản bị phạt từ 5 - 500 triệu đồng; xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường và nguy hại vào môi trường bị phạt từ 300.000 đồng đến 1 tỷ đồng tùy theo mức độ vi phạm; từ 10 triệu đồng đến 1 tỷ đồng nếu thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường.
Đặc biệt, nếu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường biển, mức tiền phạt từ 250-500 triệu đồng đối với cá nhân đổ các loại hóa chất độc hại, chất thải rắn; nước thải không xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật xuống vùng biển thuộc khu bảo tồn thiên nhiên, di sản tự nhiên, vùng có hệ sinh thái tự nhiên mới, khu vực sinh sản thường xuyên hoặc theo mùa của các loài thủy, hải sản, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường; từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng nếu đổ chất thải nguy hại, chất thải có chứa chất phóng xạ xuống vùng biển Việt Nam, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường. Mức phạt đối với tổ chức tăng gấp đôi so với mức phạt đối với cá nhân vi phạm.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã sửa đổi một số nội dung nhằm phù hợp với các quy định tại Nghị định số Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và Luật sửa bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017; đồng thời để khắc phục một số vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện Nghị định thời gian qua.
Nghị định đã sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm về kế hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, quan trắc, giám sát môi trường, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; điều chỉnh các hành vi liên quan đến xả nước thải, khí thải, xử lý chất thải; sửa đổi các nội dung về phân định thẩm quyền xử phạt để phù hợp với yêu cầu của pháp luật hiện hành.
Nghị định tăng cường lực lượng xử phạt vi phạm hành chính thông qua việc bổ sung thẩm quyền xử phạt cho lực lượng công an nhân dân, bộ đội biên phòng đối với một số hành vi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao hay điều chỉnh mức xử phạt đối với hành vi về vứt rác, vệ sinh cá nhân không đúng quy định nhằm phù hợp với thẩm quyền xử phạt của chiến sỹ công an, trưởng công an cấp xã và có thể áp dụng xử phạt tại chỗ không lập biên bản.
Nghị định được chỉnh sửa, bổ sung đảm bảo nguyên tắc thống nhất, không trùng lắp các hành vi vi phạm với các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan; chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định mang tính cấp thiết, không thay đổi cấu trúc, đảm bảo tính ổn định của Nghị định.