Năm nay một số trường phải đóng cửa có những ngành đang được xem là “hot” hiện nay như: Kinh tế, tài chính. Lãnh đạo nhiều trường đại học bày tỏ lo ngại, việc có quá nhiều trường đua nhau chỉ mở một vài ngành “hot” sẽ dẫn tới thị trường nhân lực bị bão hòa, nhiều ngành học rơi vào thế thiếu đầu vào, thừa đầu ra. Đây cũng là một trong những bất cập của công tác tuyển sinh hiện nay.
Nguy cơ thừa nhân lực
Theo Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, nếu tất cả các ngành chỉ có 576.000 chỉ tiêu thì có tới 184.300 sinh viên thuộc nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng.
Việc các trường thi nhau mở ngành tài chính ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh và lượng hồ sơ đăng ký cũng cao gấp nhiều lần ngành khác đã dẫn đến sự mất cân đối giữa nhu cầu tuyển dụng thực sự với số lượng sinh viên ra trường mỗi năm đối với những ngành luôn được cho là hấp dẫn nhất hiện nay.
Chia sẻ tình trạng tuyển sinh năm nay, ông Nguyễn Bá Dong, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, hiện vẫn chưa có con số chính thức để biết rằng ngành nào thừa, ngành nào thiếu trên toàn quốc, nhưng cũng dễ thấy, những ngành “hot” như quản trị kinh doanh, kinh tế, tài chính - kế toán thì ồ ạt tuyển thí sinh. Điều này chắc chắn dẫn đến tình trạng những trường ít tên tuổi sẽ thiếu hụt đầu vào nhưng đầu ra của toàn xã hội lại dư thừa.
"Trường chúng tôi khi đưa ra chỉ tiêu đào tạo phải tính toán, phân chia sao cho cân đối chỉ tiêu tuyển sinh các ngành nghề. Không phải là cứ thấy ngành nào "hot" thì đào tạo ồ ạt. Cùng là ngành kế toán hay ngân hàng nhưng nếu tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân hay Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng thì khả năng có việc làm rất tốt. Với những trường ít tên tuổi hơn thì dĩ nhiên là cơ hội không thể như nhau”, ông Nguyễn Bá Dong khẳng định.
Với ngành ngân hàng, số liệu mới công bố tháng 9/2012 của Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính (BTCI) cho thấy, năm 2013 sẽ có khoảng 32.000 sinh viên chuyên ngành tài chính - ngân hàng ra trường nhưng chỉ có khoảng 20.000 người được các tổ chức tài chính, ngân hàng tuyển dụng. Như vậy, dù là tốt nghiệp ngành "hot" nhưng năm tới sẽ có 12.000 sinh viên chuyên ngành tài chính -ngân hàng phải tìm công việc khác với chuyên môn của mình.
Định hướng nghề nghiệp theo nhu cầu xã hội
TS Nguyễn Ngọc Anh, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và phát triển cho biết, tâm lý đám đông khiến nhiều phụ huynh muốn cho con học những ngành dễ xin việc mà quên rằng sau thời gian phát triển thì sẽ có hiện tượng bão hòa. Nhiều doanh nghiệp thường tìm kiếm những kỹ sư, công nhân lành nghề chứ không chỉ nhìn vào bằng cấp. Công tác dự báo của Việt Nam còn chưa đồng bộ nên sẽ dẫn tới học sinh sẽ định hướng lựa chọn ngành nghề không chuẩn xác.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigo Search, một công ty chuyên tuyển dụng nhân sự cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhận định, hiện nay ngành tài chính, ngân hàng đang trong giai đoạn bão hòa. Sau thời gian phát triển “nóng” về lượng sẽ chuyển sang phát triển về chất. Cầu tuyển dụng với ngành này sẽ không ồ ạt như thời gian vừa qua nên không phải thích học ngân hàng, có bằng ngân hàng sẽ được làm việc trong ngành ngân hàng. Phải là người có khả năng, kỹ năng làm việc bài bản, sở trường thiên hướng làm ngân hàng mới có cơ hội trụ lại ở ngành này.
Theo báo cáo xu hướng việc làm do Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) công bố năm 2012 thì những ngành đang có tỷ lệ có việc làm rất cao nhưng tới năm 2015 sẽ có xu hướng giảm, gồm: khai khoáng, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất phân phối điện, khí đốt, cung cấp nước, xây dựng, vận tải và kho bãi, khách sạn, nhà hàng, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, nghệ thuật và vui chơi giải trí. Trong đó, ngành có tỷ lệ giảm cao nhất là khai khoáng từ 10,6% năm 2011 xuống còn 9,6% năm 2015.
Các ngành có nhu cầu việc làm tăng cao nhất là hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ... Tiếp đến là tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; khoa học công nghệ; làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác... Tuy nhiên, về dài hạn, nhu cầu tuyển dụng của những ngành này lại giảm mạnh, giảm khoảng 50% việc làm vào năm 2020 so với hiện nay. Trong khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng gấp đôi nhu cầu việc làm.
Lê Vân