Dựa trên số điểm thi lấy từ cao xuống thấp, toàn tỉnh có 1.532 thí sinh trúng tuyển vào 29 trường Trung học phổ thông công lập trên địa bàn. Điểm chuẩn cao nhất thuộc về Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đức Cảnh với 36,6 điểm; tiếp theo là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi với 32,9 điểm và Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn với 32,7 điểm.
Như vậy, cùng với kết quả công bố thí sinh đỗ đợt 1 ngày 20/8 là 14.763 học sinh (trong đó 525 học sinh đỗ trường chuyên và 14.238 học sinh đỗ vào 29 trường Trung học phổ thông công lập), qua 2 đợt xét tuyển sau kết luận thanh tra, toàn tỉnh có 16.295 học sinh đỗ vào trường Trung học phổ thông chuyên và công lập.
Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, những thí sinh không trúng tuyển vào trường Trung học phổ thông công lập được đăng ký xét tuyển vào một trường Trung học phổ thông tư thục hoặc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, thành phố theo nguyện vọng. Thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh đầu cấp tỉnh Thái Bình từ ngày 24/8 đến 17 giờ ngày 27/8.
Thời gian nhận phúc khảo bài thi kết thúc vào 17 giờ ngày 25/8. Thí sinh dự thi ở trường Trung học phổ thông nào sẽ nộp đơn ở trường đó. Các trường cập nhật dữ liệu phúc khảo lên hệ thống tuyển sinh đầu cấp; tổng hợp và nộp danh sách về Sở trong ngày 26/8. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức chấm phúc khảo theo quy định và thông báo kết quả về trường Trung học phổ thông trước ngày khai giảng.
Liên quan đến những lùm xùm về điểm thi vào lớp 10 tại Thái Bình, ngày 23/8 dư luận phản ánh về điểm thi môn Toán liên tục thay đổi điểm của thí sinh L.K. có địa chỉ tại thành phố Thái Bình với điểm số môn Toán đạt 4,5 điểm (trước thời điểm thanh tra), sau đó ngày 20/8 sau kết luận thanh tra và kết quả công bố lại, thí sinh này đạt 5,5 điểm. Tuy vậy đến 21/8 tra cứu lại chỉ được 0,5 điểm, khiến thí sinh này trượt nguyện vọng vào trường Trung học phổ thông Chu Văn An. Để dẫn chứng, phụ huynh học sinh cung cấp 3 ảnh chụp màn hình vào các thời điểm tra cứu.
Để làm rõ sự việc, cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp với đại diện các bên liên quan gồm Công an tỉnh, Viettel Thái Bình, Ban giám hiệu Trường Trung học cơ sở Hoàng Diệu (nơi thí sinh học tập trước khi thi tuyển sinh lớp 10) và phụ huynh học sinh L.K.Â.
Tại cuộc họp, với sự chứng kiến của các thành phần tham gia, đại diện Viettel Thái Bình đã mở lịch sử tra cứu trên hệ thống tuyển sinh đầu cấp tỉnh Thái Bình. Kết quả, sau khi công bố lại điểm thi, thí sinh  đã vào tra cứu hơn 20 lần, tất cả các lần tra cứu môn Toán đều là 0,5 điểm. Do đó, có căn cứ khẳng định không có việc lúc điểm Toán trên hệ thống thể hiện 5,5 điểm, lúc sau lại chỉ còn 0,5 điểm sau thanh tra. Hiện các ngành chức năng tỉnh Thái Bình đang tiếp tục làm rõ, xử lý thông tin chưa chính xác về vụ việc này.
Như phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã thông tin, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tỉnh Thái Bình có hơn 20.500 thí sinh dự thi với tổng số 20.502 bài thi trắc nghiệm, 42.105 bài thi tự luận (trong đó có 20.504 bài thi môn Toán chung; 20.502 bài thi môn Văn chung và 1.099 bài thi môn chuyên). Trước đơn thư tố cáo của phụ huynh học sinh và dư luận xã hội về những bất thường về điểm thi trong kỳ thi này, tỉnh Thái Bình đã thành lập Đoàn thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ quyền hạn được giao đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Kết quả thanh tra cho thấy có 2.769 bài thi tự luận bị sai điểm, trong đó có 1.368 bài thi có điểm cao hơn điểm đã công bố, 1.401 bài thi có điểm thấp hơn điểm đã công bố. Tổng số thí sinh bị sai tổng điểm xét tuyển là 1.589 thí sinh. Sai sót này dẫn đến thay đổi điểm chuẩn ở 4/12 lớp chuyên, 11/29 Hội đồng tuyển sinh các trường Trung học phổ thông đại trà. Tại Hội đồng thi Trung học phổ thông chuyên có 15 thí sinh từ trượt thành đỗ, tương ứng 15 thí sinh từ đỗ chuyển thành trượt. Tại các Hội đồng tuyển sinh các trường Trung học phổ thông đại trà có 237 thí sinh từ trượt chuyển thành đỗ, 243 thí sinh từ đỗ thành trượt.
Về nguyên nhân vi phạm, Thanh tra tỉnh Thái Bình xác định, Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi và Ban Thư ký đã không thực hiện đúng quy định trong quá trình thực hiện việc hồi phách bài thi tự luận. Số lượng bài thi được khớp phách bằng tay chỉ đạt 0,71%; không đảm bảo ít nhất 20% số bài thi tự luận được khớp phách bằng tay ngẫu nhiên theo Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Khi phát hiện sai sót (một số bài thì bị lệch phách), Ban Thư ký không lập biên bản mà chỉ ghi lại thông tin và chuyển cho Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi. Việc Trưởng Ban chỉ đạo Kỳ thi không xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục sai sót qua kiểm tra việc khớp phách của Ban Thư ký là không đúng quy định.
Trách nhiệm để xảy ra sai sót tại khâu hồi phách bài thi tự luận thuộc về công chức, viên chức của Ban Thư ký trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi; không kiểm tra, giám sát, không báo cáo UBND tỉnh về sự cố bất thường tại kỳ thi này.
Hiện ông Hiển vẫn đang tiếp tục bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ công tác thanh tra.