Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) cho biết, cả nước có 866.007 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia. Trong đó 75% thí sinh dự thi có đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Có gần 50% thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội. Bộ đã bố trí 2.364 điểm thi, gần 37.000 phòng thi. Tỷ lệ cán bộ coi thi là 50-50 của trường đại học và các sở.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT chia sẻ với báo chí tại đợt kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia năm 2017 tại Nghệ An những ngày vừa qua. |
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: “Đây là năm thứ 3 Bộ GD - ĐT thực hiện đổi mới thi theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nhằm tác động tích cực vào quá trình dạy và học theo hướng chuyển dần từ cung cấp kiến thức sang hình thành phẩm chất năng lực. Việc đổi mới thi và tuyển sinh nhằm giảm áp lực, tốn kém đáp ứng mục tiêu là vừa đủ cơ sở xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để xét tuyển”.
Ông Mai Văn Trinh cho biết: “Vừa qua, dư luận đặt vấn đề là giao kỳ thi quốc gia cho các sở chủ trì thì có quá sức không? Bộ cho rằng, những năm qua, các sở GD- ĐT đã được giao trách nhiệm quan trọng trong kỳ thi. Năm nay, Bộ GD-ĐT giao cho các sở chủ trì cụm thi, như vậy là đúng “vai” nhất với tính chất kỳ thi THPT quốc gia. Với yêu cầu khách quan, nghiêm túc, Bộ GD-ĐT giao các trường đại học phối hợp với các sở GD-ĐT, vì vậy sẽ không lo quá sức các sở. Với hình thức thi trắc nghiệm khách quan, trừ môn Ngữ văn mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng sẽ bảo đảm khách quan, trung thực của kỳ thi mà không lo tình trạng các sở sẽ du di cho thí sinh của mình”.
Qua kiểm tra công tác thi thời gian qua, Bộ GD-ĐT đánh giá, đến nay, các địa phương đã chuẩn bị thi rất chu đáo, toàn diện cả về tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị. Các tỉnh thành đều có chính sách hỗ trợ cho thí sinh, bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Công tác ôn tập, chuẩn bị thí sính được các sở chỉ đạo các trường làm đúng kế hoạch.
Ông Mai Văn Trinh chia sẻ: “Cán bộ, giáo viên các trường đại học đã sẵn sàng đến các địa phương để coi thi, thậm chí nhiều trường còn mong muốn được đến các vùng khó để hỗ trợ công tác này. Các địa phương cũng đã làm tốt công tác ôn tập, phân nhóm với tinh thần hoàn toàn tự nguyện của nhiều thầy cô giáo, bộ môn. Đây là tín hiệu tốt trong công tác phối hợp từ địa phương, trường đại học với Bộ GD – ĐT”.
Bộ GD – ĐT đã chuẩn bị cho kỳ thi được triển khai sớm. Về đề thi, đã xây dựng ngân hàng câu hỏi và được chuẩn hóa sau nhiều bước. Năm nay, công tác đề thi được chú trọng đặc biệt, có đề thi minh họa, thử nghiệm và đề thi tham khảo. Mục tiêu tuyệt đối chính xác đặt lên hàng đầu.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định: “Ngày 10/6, Bộ GD-ĐT đã hoàn thành việc chuyển đề thi cho các tỉnh thành, hiện nay các tỉnh thành đã tiến hành in sao đề thi. Khâu vận chuyển đề thi, in sao đề thi được bảo đảm tuyệt mật, an toàn. Chúng tôi bảo đảm đến ngày 22/6, khi kỳ thi diễn ra, mọi việc được diễn ra suôn sẻ, an toàn tuyệt đối”.
Về thanh tra thi, năm nay, Bộ GD-ĐT đã thành lập 5 đoàn để kiểm tra công tác thi và sẽ làm quyết liệt hơn các năm trước vì là kỳ thi do các sở chủ trì. Thanh tra chỉ là giải pháp cuối cùng, vấn đề là chúng ta đẩy mạnh thông tin để các em thí sinh hiểu và thực hiện đúng quy chế thi cũng như các quy định của pháp luật hiện hành. Khi thí sinh thực hiện đúng quy chế thì hạn chế tối đa tiêu cực của kỳ thi. Để hạn chế gian lận thi, nhất là việc sử dụng các công nghệ cao, bộ đã phối hợp với lực lượng A83 để có những hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho cán bộ coi thi.
“Công nghệ dù hiện đại đến mấy cũng không thể che mắt con người. Dù sử dụng công nghệ hiện đại đến mấy thí sinh cũng không qua mắt được cán bộ coi thi nếu cán bộ coi thi tăng cường trách nhiệm”, ông Mai Văn Trinh chia sẻ và đề nghị các tỉnh phải chú trọng chỉ đạo các giám thị.
Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh cũng chia sẻ những băn khoăn lớn nhất của bộ GD-ĐT đến thời điểm này là về công tác in sao đề thi và giữ trật tự ở các điểm thi, phòng thi, vì năm nay có tới 2.364 điểm thi.
Ông Mai Văn Trinh nói: “Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT phải tăng cường hơn nữa việc giám sát, tránh tình trạng chủ quan vì nguy cơ xảy ra rủi ro là rất lớn. Kỳ thi năm nay, sở GD-ĐT chủ trì, thí sinh được thi gần nhà rất thuận tiện, tuy nhiên, trách nhiệm của địa phương nặng nề hơn. Hội đồng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, bảo mật đề thi và in sao đề. Ngoài ra, phải đảm bảo an toàn cho các thí sinh và cán bộ coi thi. Đặc biệt, đây là một kỳ thi lớn, phải lường trước các sự cố để có hướng xử lý. Tuyệt đối không được để xảy ra những sự cố mất trật tự xung quanh điểm thi”.
Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra từ ngày 22 - 24/6, gồm 3 bài độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài tổ hợp là khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đối với thí sinh học chương trình THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên. Các môn Toán, Ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Riêng môn Ngữ văn thi tự luận.